Multimedia Đọc Báo in

Phát triển du lịch Dak Lak: Loay hoay với bài toán khai thác và đầu tư - Kỳ II: Đầu tư du lịch và tình trạng "ăn xổi"

10:02, 15/06/2015

Việc đầu tư phát triển du lịch là điều kiện then chốt để nâng cao hiệu quả “ngành công nghiệp không khói” trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy việc thu hút đầu tư vào du lịch trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả như mong muốn...

Nhiều dự án chậm triển khai

Theo kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015, trên địa bàn Dak Lak có 5 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nhưng chỉ có 1/5 dự án được đầu tư (Dự án đầu tư đường trung tâm xã Ea Sol đi thác Bảy Tầng do UBND huyện Ea H’leo làm chủ đầu tư), còn lại 4 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng không được đầu tư như: Kè chắn đất kết hợp giao thông cho người đi bộ quanh hồ Lak; bờ kè chống sạt lở bờ hồ Lak trong khu du lịch hồ Lak; đường du lịch xung quanh đồi Cư H’Lâm (huyện Cư M’gar); đường giao thông quanh khu du lịch hồ Ea Súp Thượng.

Tương tự, về các dự án đầu tư phát triển du lịch, theo Kế hoạch số 2199/KH-UBND có tổng số 10 dự án đầu tư vào du lịch trong giai đoạn 2012-2015, nhưng đến nay chỉ có 4/10 dự án được triển khai thực hiện đầu tư. Đó là các dự án: Khách sạn Sài Gòn – Ban Mê (TP. Buôn Ma Thuột); Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột); Dự án tu bổ di tích tháp Yang Prông (huyện Ea Súp); Điểm du lịch thác Dray K’nao (huyện M’Drak). 6 dự án còn lại đến nay vẫn đang tiến hành triển khai lập dự án đầu tư, gồm: Dự án đầu tư mở rộng Trung tâm du lịch buôn Trí A (huyện Buôn Đôn); Dự án đầu tư Khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur (huyện Krông Ana); Dự án đầu tư du lịch đồi Cư H’Lâm (huyện Cư M’gar); Dự án mô hình du lịch cộng đồng sinh thái cà phê buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột); Dự án đầu tư khu căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy tại Dlei Ya (huyện Krông Năng); Dự án tôn tạo khu di tích hang đá Dak Tuôr (huyện Krông Bông).

Du khách đến tham quan Khu du lịch văn hóa sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột).
Du khách đến tham quan Khu du lịch văn hóa sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột).

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân các dự án triển khai chậm là do vướng mắc thủ tục về đất, về giải phóng mặt bằng, về nguồn vốn đầu tư... Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015, ông Y Wái Byă, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thẳng thắn chỉ rõ: Trong những năm qua, việc đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với du lịch bị “thắt chặt” và “nhỏ giọt”, do vậy cơ sở vật chất các điểm đến du lịch không có nguồn ngân sách đầu tư (đường, điện, nước, vệ sinh môi trường)... Bên cạnh đó, mặc dù tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư; mặt khác, các quy hoạch chi tiết và các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực khu du lịch cũng đã được hình thành, nhưng trên thực tế các chính sách vẫn còn vướng về đất, về thuế, về hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số... Việc kêu gọi đầu tư cho phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đến Dak Lak chỉ có đăng ký và hứa hẹn, một mặt do không có đủ năng lực đầu tư, mặt khác do thủ tục đầu tư và chính sách đất đai, thuế đối với việc kêu gọi đầu tư chưa phù hợp, chưa hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư...

Đầu tư theo kiểu... “ăn xổi”

Điểm dễ nhận thấy đó là, trong thời gian qua việc đầu tư cho ngành du lịch ở Dak Lak vẫn còn tình trạng “ăn xổi”. Các doanh nghiệp hầu hết tập trung vào đầu tư cơ sở lưu trú du lịch (do vốn đầu tư ít, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn). Một số đơn vị, nhà đầu tư chỉ tiến hành khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng mà chưa chú ý đến việc tôn tạo, giữ gìn. Một số dự án được đầu tư theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, đầu tư không đến nơi đến chốn. Trong khi đó, nhiều di tích, thắng cảnh đang trong tình trạng bị lãng quên, hoặc xuống cấp trầm trọng, hoặc chưa được chú trọng đầu tư tôn tạo cảnh quan... nên chưa phát huy được tiềm năng. Thậm chí rừng phòng hộ, cảnh quan của các thắng cảnh thiên nhiên bị tàn phá nặng nề, rác thải bừa bãi khiến một số danh thắng bị biến dạng…

Trao đổi về vấn đề này, ông Y Wái Byă nhận định: Nhiều nhà đầu tư, đơn vị kinh doanh du lịch chưa chú trọng đến chất lượng và chiều sâu của hoạt động du lịch mà chủ yếu chỉ chú trọng đến việc tổ chức quảng bá sao cho thật “hoành tráng”, nhưng lại không quan tâm đến việc cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên. Tiềm năng, cảnh quan và môi trường thiên nhiên ngày càng bị phá vỡ một cách nghiêm trọng, nhất là rừng tự nhiên, nguồn nước bị cạn kiệt... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất và sự phát triển du lịch bền vững.

Một điều đáng lưu ý đối với sản phẩm du lịch tạo được nét riêng biệt, đặc thù là voi thì hiện nay đang ở tình trạng đáng báo động. Đàn voi nhà ngày càng ít đi, không đủ thức ăn, nước uống, không được chăm sóc tốt, bị khai thác đến kiệt sức. Nếu cứ tình trạng này kéo dài, trong tương lai không xa sản phẩm du lịch đặc thù liên quan đến voi của tỉnh ta có thể sẽ biến mất, không còn nữa...

Có thể nói, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Dak Lak đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt là cơ sở quan trọng để các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư và kêu gọi đầu tư vào du lịch nhằm khai thác tốt tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để tránh sai lầm về phát triển “nóng”, thiết nghĩ cần có quy định cụ thể trong việc khai thác tiềm năng du lịch của danh thắng, di sản. Nếu không, với tư duy “ăn xổi” như hiện nay, tiềm năng không được khai thác đúng cách sẽ bị cạn kiệt, không thể tồn tại lâu dài...

(Còn nữa)

Lan Anh

[links()]


Ý kiến bạn đọc