Multimedia Đọc Báo in

Quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Còn nhiều khó khăn, bất cập

09:56, 20/06/2015

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới (QHXDNTM) góp phần quan trọng để khai thác hợp lý, phát huy được những tiềm năng, lợi thế của từng vùng đất trong phát triển kinh tế xã hội, từng bước nâng cao điều kiện sống người dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, công tác quản lý quy hoạch ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn…

Tiến độ chậm

Làm đường nông thôn mới ở xã Ea Lê (Ea Súp).
Làm đường nông thôn mới ở xã Ea Lê (Ea Súp).

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020,  toàn tỉnh đã có 152/152 xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tỉnh chọn 36 xã làm xã điểm gồm: 4 xã điểm của tỉnh, 32 xã điểm của các huyện, thị xã, thành phố. Đến năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh có 152/152 xã hoàn thành công tác quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, với chất lượng của các đồ án quy hoạch xây dựng cơ bản đáp ứng mục tiêu về phát triển nông thôn mới theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới ( Hòa Thuận và Ea Kao – TP. Buôn Ma Thuột; Quảng Tiến - huyện Cư M’gar và xã Ea Kly - huyện Krông Pak đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định); 17 xã đạt 15-18 tiêu chí; 56 xã đạt 10-14 tiêu chí; 67 xã đạt 5-9 tiêu chí; 8 xã đạt 3-4 tiêu chí. Tuy nhiên, tiến độ hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới vẫn chậm so với yêu cầu của Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 22-4-2011 của Tỉnh ủy đặt ra là phải hoàn thành cơ bản công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trước tháng 6-2012. Ông Nguyễn Minh Đạt, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng)  cho biết, nguyên nhân là do văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về lập, thẩm định, phê duyệt QHXDNTM thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho công tác triển khai lập quy hoạch. Cụ thể, trước đây, công tác quy hoạch được thực hiện theo Thông tư 09/2010/TT-BXD, nhưng sau đó lại thay đổi theo Thông tư liên tịch 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT (lồng ghép 3 nội dung: quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sản xuất trong một đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới), dẫn tới việc phải điều chỉnh đồ án trong quá trình nghiên cứu, gây mất thời gian và khó khăn cho các địa phương. Bên cạnh đó, do năng lực chuyên môn của các đơn vị tư vấn còn hạn chế, không sâu sát thực tế... dẫn đến chất lượng của nhiều đồ án quy hoạch còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu (đa số các đơn vị tư vấn mới chỉ làm quy hoạch xây dựng nên đồ án quy hoạch chưa hoàn thiện theo Thông tư Liên tịch 13), phải chỉnh sửa nhiều lần, ảnh hưởng thời gian lập quy hoạch. Mặt khác, do một số cấp ủy, chính quyền xã chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ của mình trong xây dựng nông thôn mới, nên việc lập quy hoạch chưa phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chuyên môn của huyện, thị xã, thành phố, phó mặc trách nhiệm cho đơn vị tư vấn; một số huyện, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới chưa làm tốt công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, coi nhiệm vụ quy hoạch là trách nhiệm của các xã với đơn vị tư vấn…

Xây dựng đường nông thôn ở xã Ea Lê (Ea Súp).
Xây dựng đường nông thôn ở xã Ea Lê (Ea Súp).

Cắm mốc quy hoạch còn nhiều vướng mắc

Theo Sở Xây dựng, việc triển khai cắm mốc giới ra ngoài thực địa góp phần quan trọng để quản lý xây dựng nông thôn mới trật tự, nền nếp, tuân thủ đúng quy hoạch xây dựng. Đây là công tác rất quan trọng để việc triển khai các đồ án quy hoạch nông thôn mới đi vào thực tế cụ thể của từng địa phương và là một trong những yếu tố để được đánh giá là hoàn thành Tiêu chí 1 về “Quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch”. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù QHXDNTM trên địa bàn toàn tỉnh đã được phê duyệt, nhưng UBND các huyện, thị xã, thành phố còn nhiều lúng túng, bị động và thiếu nguồn kinh phí trong việc triển khai thực hiện. Công tác cắm mốc quy hoạch nông thôn mới từ bản vẽ ra ngoài thực địa còn nhiều bất cập, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều gặp phải vướng mắc. Cụ thể, trong QHXDNTM mới, các bản vẽ thường sử dụng bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 kết hợp với bản đồ chuyên ngành khác như bản đồ giải thửa, bản đồ sử dụng đất... để làm cơ sở thiết kế quy hoạch, độ chính xác không cao trong khi đó, việc triển khai cắm mốc giới quy hoạch ra thực địa thông thường được triển khai trên các bản đồ quy hoạch có tỷ lệ 1/500, 1/2.000 và 1/5.000. Chính vì vậy, quy hoạch bản đồ tỷ lệ 1/10.000 chỉ có thể sử dụng để cắm mốc ranh giới các phân khu chức năng, chứ không thể cắm chỉ giới các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đây là khó khăn mà hầu hết các địa phương đều gặp phải.  Cho nên, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh công tác quy hoạch để đảm bảo Tiêu chí 1 của Chương trình xây dựng nông thôn mới được nêu trong “Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới” của tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp (chiếm khoảng 2,6%), gồm 4/152 xã, đó là: Ea Kao, Hòa Thuận, Quảng Tiến, Ea Kly. Để tháo gỡ những khó khăn trên, Sở Xây dựng đã có Công văn số 379/SXD-KT đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể việc lập hồ sơ cắm mốc giới các công trình hạ tầng theo QHXDNTM được duyệt để địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện, nhưng đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: “Để công tác quy hoạch, quản lý QHXDNTM chất lượng, hiệu quả, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Dak Lak đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh QHXDNTM bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, phù hợp với điều kiện, đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và tập quán sinh hoạt của người dân nông thôn, trong đó, chú trọng phát triển nông thôn hài hòa với phát triển đô thị và quá trình đô thị hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường.  Đồng thời, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng nông thôn hiện nay để kế thừa những thành tựu, phát huy những tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế -xã hội gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa. 

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc