Rau an toàn... gian nan tìm chỗ đứng - Kỳ 2: Nhiều bất cập trong sản xuất rau an toàn
Ai cũng biết rau an toàn (rau sạch) góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và ai cũng muốn sử dụng rau an toàn. Tuy nhiên, lại có một nghịch lý là rau an toàn vẫn chưa có được chỗ đứng trên thị trường, nhất là tại các chợ dân sinh. Đó cũng là lý do khiến nhiều cơ sở sản xuất rau an toàn gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, mở rộng diện tích...
Thiếu đầu ra ổn định
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) là một trong những hợp tác xã tham gia sản xuất rau an toàn theo chương trình dự án VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices - thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho sản phẩm tươi rau, quả của Việt Nam). Với diện tích 6 ha trồng rau, củ, mỗi ngày HTX thu hoạch đưa ra thị trường khoảng 1,8 tấn rau, củ các loại. Trong đó, chỉ có 2,5 tạ được sơ chế, đóng gói, dán nhãn và đưa đi tiêu thụ tại các siêu thị, đại lý bán hàng tự chọn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Số lượng khoảng 1,5 tấn còn lại HTX phải tự tìm đầu ra như các loại rau, củ sản xuất theo kiểu truyền thống khác.
Cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, HTX sản xuất rau an toàn Thuận An (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong số những đơn vị tiên phong trên địa bàn hưởng ứng quy trình sản xuất rau an toàn. Nhưng đến nay, sau 4 năm hoạt động, HTX này vẫn “loay hoay” tìm đầu ra ổn định. Ông Trần Văn Dần, Chủ nhiệm HTX than thở: “Rau an toàn do chúng tôi sản xuất chủ yếu vẫn bán trôi nổi ở các chợ như các loại rau khác, tức là người tiêu dùng cũng không biết rằng đây là rau an toàn và giá cả cũng phải bán như mức giá mặt bằng chung, dù chi phí đầu tư để sản xuất rau an toàn cao hơn nhiều (các sản phẩm rau, củ an toàn phải trải qua một quy trình kiểm tra khắt khe từ khâu sản xuất, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói). Rõ ràng sản phẩm của mình là rau an toàn, nhưng muốn tiêu thụ được thì phải bán đại trà như các loại rau sản xuất theo kiểu truyền thống. Trong khi đó, rau an toàn, do được chăm sóc theo quy trình “sạch”, để rau phát triển tự nhiên nên hình thức không đẹp, không bắt mắt như các loại rau, củ dùng chất kích thích khác. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều nông dân không mặn mà lắm với việc trồng rau an toàn”.
Khu vực trồng rau an toàn của Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Thuận An (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). |
Làm thế nào để đưa được thương hiệu rau an toàn vào các chợ dân sinh không chỉ là khó khăn của các hợp tác xã Toàn Thịnh, Thuận An mà là tình trạng chung của hầu hết các hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn. Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 hợp tác xã sản xuất rau an toàn. Sản phẩm của các cơ sở này được tiêu thụ tại một số địa chỉ ở TP. Buôn Ma Thuột mà chủ yếu là hệ thống các siêu thị chứ chưa đưa được sản phẩm gắn thương hiệu rau an toàn vào chợ dân sinh. Vì thế, chỉ có một phần nhỏ sản phẩm của các hợp tác xã đến với người tiêu dùng bằng chính thương hiệu rau an toàn, còn phần lớn vẫn chưa có được đầu ra ổn định”. Thực tế cho thấy, hiện nay chưa có một quy hoạch tổng thể nào cho việc bán rau sạch. Người nông dân phải tự tìm đầu ra, trong khi người bán không nhập hàng vì giá cao, mẫu mã không đẹp; người mua thì ngần ngại “vàng thau lẫn lộn”, còn cơ quan chức năng lại chưa quan tâm nhiều đến việc đưa rau an toàn vào chợ.
Ngại mở rộng diện tích trồng rau an toàn
Tự “bơi” trong việc tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, chấp nhận nghịch lý là trồng rau sạch nhưng giá bán thì ngang bằng với các loại rau bình thường là những khó khăn không chỉ khiến cho những người tham gia các HTX rau sạch nản chí bỏ cuộc. Chị Thái Thị Tám (buôn Kao, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), xã viên HTX sản xuất rau an toàn Thuận An cho biết: “Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên tham gia vào HTX, ban đầu hồ hởi bao nhiêu thì bây giờ lại lo lắng bấy nhiêu. Trên thực tế, mấy năm nay, chúng tôi trồng rau sạch phải đầu tư chi phí cao nhưng chưa khi nào bán được với giá của rau sạch, thậm chí còn bị ép giá thấp hơn so với các loại rau thông thường, bởi sản phẩm hình thức không bắt mắt như các loại rau được sử dụng chất kích thích. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì việc gia đình tôi quay trở lại trồng rau theo kiểu truyền thống chỉ còn là điều sớm hay muộn mà thôi”.
Diện tích rau an toàn do vậy không thể mở rộng, phát triển như quy hoạch. Được biết, năm 2010, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 480 ha rau an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng. Song trên thực tế đến thời điểm này, diện tích canh tác rau an toàn trên địa bàn tỉnh chỉ có 21 ha, mới đạt gần 4,4% mục tiêu đề ra. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nguyên nhân là do năng lực cạnh tranh sản phẩm rau an toàn chưa cao, sản phẩm rau được chứng nhận VietGAP chưa có sự phân biệt rõ trên thị trường, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh nên chưa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân mở rộng diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, hầu hết các HTX trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có quy mô nhỏ, nguồn kinh phí còn hạn hẹp, đặc biệt là khâu đầu tư để xây dựng nhà sơ chế tốn quá nhiều công sức trong việc thuê lập dự án, thiết kế. Do đó nhiều HTX không đáp ứng được điều kiện cần thiết theo quy định về quản lý, sản xuất, kinh doanh rau an toàn để hưởng các chính sách của tỉnh về hỗ trợ thuê gian hàng, xây dựng cửa hàng bán rau an toàn, cấp giấy chứng nhận và chứng nhận sản phẩm...
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thanh cho rằng: “Quá trình sản xuất rau an toàn trên địa bàn hiện còn khá nhiều bất cập. Hầu như các HTX mới chỉ tập trung hỗ trợ ở khâu sản xuất chứ chưa chú trọng đến việc xây dựng một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Từ đó dẫn đến tình trạng rau tiêu thụ không được, bởi đâu phải người tiêu dùng nào cũng có điều kiện vào siêu thị mua rau. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền cho người dân về rau an toàn hiện còn rất hạn chế, rồi công tác quản lý nhà nước hiện nay vẫn còn kẽ hở cho rau an toàn và rau không an toàn lẫn lộn trên thị trường”.
(Còn nữa)
Kim Hồng
[links()]
Ý kiến bạn đọc