Multimedia Đọc Báo in

Rau an toàn... gian nan tìm chỗ đứng - Kỳ cuối: Kỳ vọng về hướng đi hiệu quả

08:33, 06/06/2015

Dak Lak là vùng có tiềm năng để sản xuất rau an toàn. Song, làm thế nào để mở rộng diện tích canh tác rau an toàn trên địa bàn rất cần có những giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng.

Nhìn từ thực tế sản xuất tại các HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn cho thấy, nhận thức của nông dân về sản xuất rau an toàn đã từng bước được cải thiện. Thông qua các lớp tập huấn về rau an toàn, việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào phòng trừ sâu bệnh được áp dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất rau. Tuy nhiên, hiện các hộ trồng rau mà đại diện là các HTX chưa xây dựng được mối liên kết bền vững với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra ổn định. Đây là khó khăn không nhỏ trong việc duy trì, mở rộng và phát triển các vùng trồng rau an toàn trên địa bàn. Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra chủ yếu được các gia đình tự mang đi tiêu thụ, rau chưa được đóng gói, dán tem nhãn để phân biệt với rau truyền thống nên ít được người tiêu dùng quan tâm. Ngay cả các HTX, không phải đơn vị nào cũng có đủ điều kiện để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc sơ chế, đóng gói, dán nhãn sản phẩm. Hơn nữa, rau đã được sơ chế, dán nhãn theo đúng quy trình thường có chi phí rất cao, nếu bán trên thị trường như giá các loại rau thông thường khác thì thu không đủ bù chi. Như ở HTX sản xuất rau an toàn Thuận An (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế và các thiết bị phục vụ cho việc sơ chế rau; việc đóng gói rau cũng phải sử dụng túi nhựa chuyên dụng bởi loại bao PE không bảo đảm cho việc bảo quản. Vì thế, sản phẩm rau đã được xử lý, đóng gói, dán nhãn của HTX đưa ra thị trường giá phải cao hơn và chỉ có tiêu thụ một số ít tại một số cửa hàng chứ không thể bán được ở chợ truyền thống với mức giá như vậy. Ông Trần Văn Dần, Chủ nhiệm HTX sản xuất rau an toàn Thuận An bày tỏ: “Để rau an toàn phát triển ổn định và mở rộng diện tích, các đơn vị sản xuất rau an toàn như chúng tôi rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ từ phía Nhà nước về công nghệ sản xuất (nhà lưới), thiết bị và quy trình chế biến sản phẩm và hỗ trợ mở các cửa hàng chuyên về rau sạch. Bên cạnh đó, muốn sản phẩm rau an toàn đến được tay người tiêu dùng qua kênh phân phối truyền thống là các chợ đòi hỏi phải có sự đầu tư quảng bá rộng rãi mà với tiềm lực của các HTX như chúng tôi rất khó làm được điều này”.
Khu vực  sơ chế rau sau  thu hoạch của  Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Thuận An.
Khu vực sơ chế rau sau thu hoạch của Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Thuận An.

Theo ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nội dung Nghị quyết số 07 ngày 9-7-2010 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 mới chỉ tập trung hỗ trợ ở khâu sản xuất chứ chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng chuỗi quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ. Để khắc phục hạn chế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án về sản xuất rau an toàn theo chuỗi, nghĩa là gắn từ nơi sản xuất (đầu vào) cho đến nơi tiêu thụ (đầu ra), lấy doanh nghiệp, cơ sở, nhà sản xuất làm trung tâm, Nhà nước xây dựng chính sách, hỗ trợ để người sản xuất có nơi tiêu thụ và có gắn kết giữa nhà sản xuất với nơi tiêu thụ bằng hợp đồng. Với đề án này, tỉnh sẽ hỗ trợ toàn diện từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Cụ thể, trong sản xuất, tỉnh sẽ hỗ trợ và khuyến khích nông dân hình thành các tổ hợp sản xuất, hợp tác xã, trên cơ sở đó tiến tới đầu tư quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông qua việc tổ chức lại sản xuất và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau; cải tiến và chú trọng đến các kênh tiêu thụ. Song song với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về việc mua rau, sử dụng rau an toàn. Đề án này dự kiến sẽ được trình UBND tỉnh xem xét trong thời gian tới.

Song song với việc xây dựng đề án về sản xuất rau an toàn, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng tăng cường các biện pháp giám sát đối với rau an toàn để các sản phẩm bảo đảm được chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Ông Trần Ngọc Thanh cho biết: "Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước vẫn chưa thể kiểm soát hết tất cả các ngành hàng nên vẫn còn kẽ hở cho rau an toàn và rau không an toàn lẫn lộn trên thị trường. Vì vậy, tới đây chúng tôi sẽ thắt chặt việc quản lý vật tư nông nghiệp; đồng thời, tổ chức điều tra, thống kê và ký cam kết giữa các hộ sản xuất nông lâm thủy sản với cơ quan quản lý Nhà nước. Tất nhiên, trong năm nay chưa thể triển khai trên tất cả 9 nhóm ngành hàng mà chủ yếu tập trung vào 2 nhóm ngành hàng chính là rau và thịt. Bên cạnh các hình thức hỗ trợ, chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm sao để các hộ sản xuất rau có nhận thức đầy đủ hơn, sản xuất rau sạch hơn và các hợp tác xã tổ chức sản xuất rau an toàn có điều kiện tiêu thụ tốt hơn".

Thiết nghĩ, để rau sạch tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì sự nỗ lực từ các bên liên quan là vô cùng quan trọng. Không chỉ là sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng mà cả người sản xuất, người tiêu dùng và nhà tiêu thụ đều cần phải thay đổi thói quen, cách nghĩ và cách làm của mình đối với việc trồng và kinh doanh rau sạch, rau an toàn. Khi  hai chủ thể của việc cung – cầu gặp nhau thì đầu ra ổn định cho rau an toàn sẽ không còn là vấn đề khó khăn.

Kim Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.