Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất đa canh giúp nông dân thoát nghèo

09:07, 22/06/2015

Những năm qua, mô hình đa cây, đa con trên cùng diện tích không chỉ giúp nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh, vươn lên thoát nghèo cải thiện đời sống mà còn từng bước làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Trước đây, 500 m 2 mặt nước ao của gia đình chị Nguyễn Thị Nhớ (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) chỉ được sử dụng để tưới cà phê vào mùa khô. Khi tham gia vào Hội Nông dân của thị trấn, được tham dự các buổi Hội thảo nuôi trồng thủy sản do Hội phối hợp với Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện và Chi cục Thủy sản tổ chức, biết được quy trình sinh sản cũng như cách thức chăm sóc đối với từng loại cá, chị mạnh dạn cải tạo lại ao để nuôi cá chép, rô phi và diêu hồng. Chị Nhớ chia sẻ: “Nuôi cá phải đặc biệt chú trọng vệ sinh ao và quá trình sinh trưởng của cá để sử dụng nguồn thức ăn phù hợp. Nhờ tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp, các loại rau cỏ sẵn có mà tôi đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư. Sau 9 tháng thả cá, gia đình xuất lứa đầu tiên được hơn 1 tấn, cho thu nhập gần 20 triệu đồng”. Bên cạnh nuôi cá giống, chị Nhớ còn tận dụng diện tích đất bờ ao và 5 sào đất vườn để trồng các loại hoa như cúc, lay ơn. Chịu khó học hỏi, nắm bắt được kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, vườn hoa của gia đình chị luôn bảo đảm chất lượng. Những ngày lễ, tết, chị tất bật hơn với việc chuẩn bị hoa cung cấp cho thị trường. Hằng năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình chị Nhớ thu về gần 100 triệu đồng.
Vườn hoa của gia đình chị Nguyễn Thị Nhớ.
Vườn hoa của gia đình chị Nguyễn Thị Nhớ.

Với 4 ha trồng cà phê xen cây ăn trái, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Võ Tiến Dũng (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) có thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo việc làm thời vụ cho từ 4-6 lao động/ngày. Trước đây, gia đình ông Dũng trồng cà phê nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất thấp, thậm chí có năm còn thua lỗ. Năm 2006, được tham dự các lớp tập huấn do Hội Nông dân thành phố tổ chức, ông vay vốn ngân hàng để cải tạo lại vườn cà phê và trồng thêm sầu riêng. Ông Dũng cho biết: “Nhờ tham dự các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật mà tôi biết được trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê không chỉ giúp chắn gió, che bóng giữ độ ẩm, giảm lượng nước tưới, chống được khô hạn mà còn giúp gia đình có thêm nguồn thu. Khi vườn cà phê đã đi vào ổn định, năm 2012, tôi trồng thêm cam sành trên khoảng đất trống xung quanh vườn. Hiện nay, với hơn 200 gốc cam, tôi thu về hơn 150 triệu đồng mỗi năm, đã trừ chi phí”.

Ao nuôi cá của gia đình chị Nguyễn Thị Nhớ.
Ao nuôi cá của gia đình chị Nguyễn Thị Nhớ.

Từ hiệu quả của đa canh, đến nay nhiều nông dân trong tỉnh đã có sự thay đổi về tư duy sản xuất. Nhằm vận động và khuyến khích hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, Hội nông dân tỉnh đã phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và được nhiều hội viên hưởng ứng. Cùng với việc tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, Hội còn chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm dạy nghề thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, giới thiệu các mô hình làm kinh tế có hiệu quả cao để nông dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Năm 2014, Hội nông dân các cấp đã tổ chức được 1.340 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và 1.991 buổi hội thảo khoa học, kỹ thuật cho 216.469 lượt hội viên nông dân. Bên cạnh đó, Hội đã tích cực vận động các tổ chức, đơn vị kinh tế và hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đóng góp hơn 17 tỷ đồng, 83.472 cây giống, 5.532 con giống, 730 tấn phân bón giúp đỡ 4.539 hội viên nghèo phát triển sản xuất; tín chấp với doanh nghiệp, công ty phân bón mua 9.600 tấn phân các loại trị giá trên 30 tỷ đồng theo hình thức trả chậm giúp nông dân đầu tư sản xuất. Nhờ vậy, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo mô hình đa cây, đa con, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cùng nhiều phong trào, mô hình hiệu quả được nhân rộng. Hiện nay toàn tỉnh có 86.201 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.