Xử lý nợ xấu: Cần có giải pháp căn cơ
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Dak Lak. |
Xử lý nợ xấu là một trong những biện pháp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả của các tổ chức tín dụng. Do vậy, đây là việc làm hết sức cần thiết, đòi hỏi phải có những giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đến cuối tháng 5-2015 là 49.511 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và 8,8% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu (nhóm 3,4,5) khoảng 1.026 tỷ đồng, chiếm 2,07% tổng dư nợ cho vay. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu vẫn đang ở dưới mục tiêu phấn đấu của cả nước (3%), nhưng tỷ lệ này luôn có thể tăng lên, nhất là sau khi chủ trương cơ cấu lại các khoản nợ đã chính thức hết thời hạn kể từ 1-4-2015. Đó là chưa kể đến tình trạng con số nợ xấu vẫn chưa được thống nhất, khi mà tỷ lệ nợ xấu qua tổng hợp báo cáo của các tổ chức tín dụng thường thấp hơn con số nợ xấu do cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Trên địa bàn tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, nhưng chủ yếu xuất phát từ khâu định giá tài sản bảo đảm không đúng với giá trị thực tế, dẫn đến những rủi ro cho những khoản vay và việc chậm giải ngân các công trình xây dựng cơ bản. Với nhận định trên, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án xử lý nợ xấu hệ thống các tổ chức tín dụng” của Dak Lak, trong đó, nhấn mạnh đến phạm vi tập trung xử lý gồm nợ xấu cấp tín dụng, nợ xấu mua trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu ủy thác cấp tín dụng. Đặc biệt, tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3%/tổng dư nợ trở lên và có tài sản bảo đảm, đặc biệt ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản. Có thể thấy rằng, định hướng xử lý nợ xấu trước hết là hướng đến những khoản vay có tài sản bảo đảm, và các tổ chức tín dụng, khách hàng vay phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu phát sinh và chia sẻ tổn thất trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, có một thực tế là trong số những DN “vướng” nợ xấu, có không ít DN, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, lại đang là “chủ nợ” của những công trình chưa được ngân sách Nhà nước giải ngân. Với những khoản nợ dạng này, tài sản bảo đảm sẽ không đủ để giải quyết nợ cho các tổ chức tín dụng và nếu nợ kéo dài thì sẽ bị liệt vào diện nợ xấu. Bởi vậy, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, nhất là các công trình, dự án thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên, dự án kiên cố hóa kênh mương, phát triển hạ tầng giao thông… Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các ngành chức năng liên quan cùng phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai các biện pháp tích cực theo thẩm quyền để xử lý nợ xấu trên địa bàn tỉnh.
Trước đây, các tổ chức tín dụng thường “kêu khó” trong việc xử lý nợ xấu do thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh, nhưng với Đề án xử lý nợ xấu được UBND tỉnh phê duyệt, cho thấy những nỗ lực của địa phương trong việc mở ra cơ chế để xử lý tình trạng nợ xấu. Vấn đề hiện nay là các tổ chức tín dụng phải công bố chính xác mức độ nợ xấu, tiên lượng được các xu hướng phát sinh để có giải pháp căn cơ, phù hợp.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc