Anh nông dân đa tài
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho riêng mình mà anh Võ Văn Sơn (thôn 2, xã Cư Kty, huyện Krông Bông) còn đứng ra liên kết các nông hộ thành lập HTX nông nghiệp, đồng thời anh cũng là nhà sáng chế ra các loại máy móc phục vụ sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Năm 1976, anh rời quê hương Quảng Nam theo gia đình lên Đắk Lắk xây dựng kinh tế mới tại xã Cư Kty. Thời điểm bấy giờ sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa có, lại thiếu vốn đầu tư nên năng suất các loại cây trồng không cao. Trong bối cảnh đó, bản thân anh không ngừng tìm kiếm những phương pháp sản xuất tiên tiến để khắc phục những yếu kém vốn có. Rất may là vào thời điểm đó, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho nông nghiệp nên anh đã tận dụng cơ hội này và không ngừng học hỏi các kiến thức về khoa học kỹ thuật, sáng tạo trong lao động sản xuất… làm nền tảng cho kế hoạch sản xuất mà anh đã vạch ra. Áp dụng những gì học được, bằng phương pháp lấy ngắn nuôi dài, đưa các giống ngô, lúa lai năng suất cao vào sản xuất, từ 4 sào đất ban đầu anh đã tích lũy mở rộng dần diện tích, đến nay anh đã có gần 20 ha đất trồng lúa, ngô, mía và năng suất đều tăng gấp đôi so với trước kia; thu nhập gia đình cũng tăng theo từ 20 triệu đồng/năm lên trên 500 triệu đồng/năm. Ngoài việc đầu tư các phương tiện máy móc phục vụ cho sản xuất, anh còn sáng chế ra máy xới cỏ vun gốc cho mía, ngô; máy lên luống và tự lót phân; máy xé rễ và âm phân cho mía; dàn máy phun thuốc cỏ và sâu bệnh cho lúa, mía, ngô. Công năng của mỗi loại máy móc trên có thể thay thế được trên 15 công lao động/1 ngày/ha ở tất cả các công đoạn đã góp phần giảm một khoản lớn chi phí đầu vào. Anh Sơn chia sẻ, trong các loại máy anh sáng chế, anh tâm đắc nhất là dàn máy phun thuốc cỏ vì ngoài hiệu quả về kinh tế máy phun đều, mạnh hơn so với phun tay còn giảm được trên 80% chi phí nhân công, hạn chế được việc nông dân tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Võ Văn Sơn (bìa phải) đang trao đổi kỹ thuật trồng mía với thành viên của HTX. |
Không chỉ chăm lo cho riêng mình, anh Sơn còn liên kết bà con nông dân trong vùng thành lập HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình với 25 thành viên do anh làm giám đốc. Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, HTX trở thành cầu nối giữa người nông dân với nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, đồng thời ổn định được đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp. Niên vụ 2014-2015, HTX đã cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vốn sản xuất cho hơn 400 hộ dân trong vùng gần 6 tỷ đồng; đứng ra ký hợp đồng với Công ty CP Mía đường Đắk Nông xây dựng vùng mía nguyên liệu trên 200 ha và đã cung ứng cho nhà máy trên 11 nghìn tấn mía cây, mang về cho các hộ liên kết trên 10 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là anh đã xây dựng cơ chế làm việc theo hướng chuyên môn hóa cho HTX của mình bằng cách thành lập được 12 tổ, đội sản xuất với trên 350 lao động thời vụ tại địa phương, mỗi tổ, đội đảm nhiệm một khâu sản xuất như làm đất, phun thuốc, thu hoạch… mang lại hiệu quả rất cao.
Với sự năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất và phong trào xã hội cộng đồng, anh Võ Văn Sơn đã được tặng nhiều giấy khen từ cấp huyện đến Trung ương về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc