"Bắt mạch" doanh nghiệp để hội nhập
Từ năm 2007 khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh mở ra cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ở nước ta. Cánh cửa hội nhập đang rộng mở sẽ mang đến cho cộng đồng DN Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng nhiều cơ hội lớn nhưng cũng có không ít thách thức...
Quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu
Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, Tính đến hết tháng 4-2015, trên địa bàn tỉnh hiện có 8.479 DN, HTX (bao gồm: 8.061 DN dân doanh (chiếm 95,07%), 355 hợp tác xã (HTX) (chiếm 4,19%), 57 DNNN (chiếm 0,68%), 6 DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 0,07%). Bên cạnh đó còn có 1.059 chi nhánh của các DN thuộc nhiều tỉnh, thành phố đăng ký hoạt động. Tổng vốn đăng ký của các DN là 30.936 tỷ đồng. Trong đó, DNNN có vốn đăng ký là 1.380 tỷ đồng, DN khu vực kinh tế tư nhân vốn đăng ký là 28.623 tỷ đồng, hợp tác xã là 440 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nhiều DN đã tạm ngừng kinh doanh, giải thể, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN do vi phạm Luật DN, Luật Quản lý thuế…, nên đến nay chỉ còn 6.086 DN, HTX còn đang hoạt động (57 DNNN, 5.788 DN dân doanh, 6 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 235 hợp tác xã); số chi nhánh còn hoạt động là 897 đơn vị. Trong thời gian vừa qua các DN ngoài quốc doanh trong tỉnh đã có nhiều đóng góp cho sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đóng góp tích cực nhất là đã huy động được đáng kể nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Với sự đầu tư phát triển vào nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; khai thác ngày càng nhiều tiềm năng, thúc đẩy kinh tế hộ nông dân phát triển nhờ vào sự tham gia sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; doanh nghiệp cũng là cầu nối để đưa sản phẩm hàng hóa của người sản xuất vào thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức khá của tỉnh Dak Lak. Các doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển của khối DN vừa và nhỏ ở tỉnh ta bộc lộ không ít hạn chế như: số lượng phát triển nhanh nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (cả vốn và lao động); đăng ký đa dạng ngành nghề kinh doanh nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sơ chế nông sản; số DN đầu tư vào các ngành sản xuất công nghiệp và sản xuất vật chất khác chưa nhiều; các DN chưa khai thác được nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: đất đai, vùng nguyên liệu, lực lượng lao động nên hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả chưa cao; thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các DN để tạo nên sức mạnh về quy mô vốn, về kỹ thuật công nghệ..., do đó chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu còn ít, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không hoặc chưa hoạt động hoặc chưa phát sinh thuế vẫn còn cao (khoảng trên 26%)… Cho nên tổng thu thuế và các khoản nộp ngân sách của DN ngoài quốc doanh năm 2014 mới đạt 754 tỷ đồng, tương đương 20% tổng thu ngân sách toàn tỉnh (con số này bình quân cả nước từ 30-40%).
Hoạt động sản xuất chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Dak Lak. |
Để “tiếp sức” cho doanh nghiệp hội nhập
Với một nền kinh tế dựa trên tri thức trẻ như hiện nay, các DN nhỏ và vừa luôn có những cơ hội, thuận lợi nhất định. Ngược lại, sự chuyển biến đa dạng của thị trường thì những khó khăn và thách thức mà các DN phải đối mặt là luôn biến đổi. Để vượt qua những thách thức trong quá trình hội nhập, ngoài việc các DN phải chủ động tự tìm hướng đi phù hợp cho mình, dựa trên tiềm năng, vị thế, đặc thù của từng vùng đất để khai thác, phát huy hết thế mạnh của nó, biến thách thức thành cơ hội, thì sự hỗ trợ của chính quyền địa phương bằng cơ chế, chính sách nắm giữ vai trò quan trọng để góp phần giúp DN vững vàng hội nhập. Để giúp DN thích ứng mạnh mẽ hơn nữa với kinh tế thị trường, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 16-6-2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 4210 về việc “Đẩy mạnh việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2015-2020.” Trong đó, chú trọng các giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia và cạnh tranh bình đẳng. Cụ thể, giao cho sở ngành, UBND các cấp có nhiệm vụ công khai, minh bạch các định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch sử dụng đất, phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm nghiệp… Giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc sắp xếp và chuyển đổi các DNNN thành các mô hình DN phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thực hiện có hiệu quả chương trình hành động số 145-Ctr/TU của Tỉnh ủy về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi cho DN trong đầu tư các dự án…
Chế biến gỗ rừng trồng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An (huyện Krông Pak). |
Là địa phương có nhiều sản phẩm xuất khẩu như cà phê, hạt điều, hồ tiêu…, để khuyến khích DN mở rộng quy mô sản xuất, phát triển DN khu vực nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các sở ngành liên quan tạo mọi điều kiện để khối DN này cải thiện hơn nữa khả năng tiếp cận thông tin tài chính, công nghệ, thị trường, để DN có định hướng và đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp và hiệu quả. Song song đó là tập trung xây dựng phát triển kinh tế trang trại, mô hình HTX tiên tiến, HTX liên kết với DN để phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Qua đó, mối liên kết giữa DN và nhà nông trong xây dựng nông thôn mới được chặt chẽ, lợi ích hài hòa hơn. Đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phải luôn “đồng hành” cùng DN để kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, tạo điều kiện để các DN gia nhập thị trường và cơ hội đầu tư, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc