Multimedia Đọc Báo in

"Chìa khóa" làm giàu cho nông dân

07:59, 12/07/2015

Thông qua các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, hội thảo đầu bờ cùng với chịu khó tìm tòi, nghiên cứu những cách làm hay, mô hình hiệu quả để áp dụng vào thực tế, nhiều nông dân trong tỉnh đã có sự đổi mới về tư duy, phương thức sản xuất, mang lại nhiều mô hình kinh tế đầy tiềm năng.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Hoàng Chương (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) chăn nuôi heo với quy mô nhỏ lẻ nhằm tận thu các phụ phẩm từ trồng trọt nên thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Sau khi tham gia Hội nông dân xã, được tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và được tham quan một số trang trại trong và ngoài tỉnh, ông Chương quyết định áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Từ những kiến thức tích lũy được, năm 2009, ông vay vốn ngân hàng 500 triệu đồng đầu tư xây dựng trang trại khép kín với quy mô khoảng 1.800 m2 để nuôi heo giống và heo thịt theo hướng công nghiệp. Trang trại có máng ăn uống tự động và hệ thống hầm bể biogas để xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, trang trại luôn duy trì trên 50 con heo nái và hơn 200 heo thịt thương phẩm. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập hơn 400 triệu đồng và còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng. Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Chương tâm sự: “Trong chăn nuôi, việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi là quan trọng nhất. Khi thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường, độ ẩm không khí cao sẽ là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát sinh và lây lan nên người chăn nuôi cần đặc biệt chú ý để tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời. Riêng chuồng trại cần xây dựng sao cho phù hợp, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ và thận trọng trong việc tiêu độc, khử trùng”. Ông Chương còn cho biết thêm, để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, ông đã học kỹ thuật chế biến, ủ chua các loại thức ăn từ các phụ phẩm trong nông nghiệp. Nhờ vậy, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho thức ăn chăn nuôi, đàn heo lại được tăng thêm dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng thịt an toàn.

Trang trại chăn nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Hoàng Chương.
Trang trại chăn nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Hoàng Chương.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên là một trong những hộ khá giả nhờ nguồn thu nhập từ trồng tiêu, cà phê ở thôn Tân Bắc, xã Ea Toh, huyện Krông Năng. Trên diện tích 1,5 ha, ông trồng được hơn 1.000 trụ tiêu và 600 cây cà phê, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập hơn 500 triệu đồng. Trước đây, diện tích đất của gia đình được sử dụng trồng lúa và hoa màu nhưng cho hiệu quả không cao nên ông Nguyên quyết định chuyển đổi giống cây trồng. Những năm đầu tiên khi mới trồng tiêu do chưa nắm được quy luật của thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng nên quá trình trồng trọt của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Sau vài lần thất bại vì tiêu chết hàng loạt, ông nhận thấy nguyên nhân chính khiến vườn cây phát triển kém là do chưa nắm được kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm sản xuất để áp dụng vào thực tiễn. Sau khi tham dự các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức, đồng thời tự tìm tòi, học hỏi qua sách báo và phương tiện thông tin đại chúng, ông đã quyết định vay thêm vốn đầu tư trồng tiêu xen canh cà phê. “Trong số các loại cây trồng, cây tiêu là cây có thể trồng xen canh với cây cà phê tốt nhất. Bởi gốc tiêu chiếm diện tích tương đối ít, có thể tận dụng tốt khoảng trống giữa các gốc cà phê để trồng xen. Riêng cây cà phê có bộ rễ mạnh giúp giữ được độ ẩm, về mùa mưa rút nước nhanh nên có thể hạn chế được các bệnh chết nhanh và vàng lá ở cây hồ tiêu”, ông Nguyên cho biết.

Từ việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Ông Y Tô Niê Kdăm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Nhằm tạo điều kiện cho nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm qua, Tỉnh Hội thường xuyên chỉ đạo các Hội cơ sở chú trọng phối hợp, liên kết với các ban, ngành đoàn thể chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất không chỉ làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều hội viên nông dân mà còn tác động mạnh mẽ tới việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 337.625 lượt nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi được công nhận ở các cấp”.

Có thể thấy rằng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi là chìa khóa giúp nông dân thay đổi tư duy theo hướng sản xuất tiên tiến, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.