Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng, chống thiên tai: Cần có giải pháp đối với tình hình hạn hán

09:41, 29/07/2015

Trong các loại thiên tai thì hạn hán đang là thực trạng đáng báo động vì gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân ở Đắk Lắk. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào cho thực trạng trên?

Thực trạng báo động...

Mặc dù là tỉnh có hệ thống sông, suối khá dày và có đến 737 công trình thủy lợi (gồm: 575 hồ chứa, 103 đập dâng, 59 trạm bơm tưới và 1 hệ thống đê bao),  đang tưới cho khoảng trên 230 nghìn ha (lúa đông xuân 30.000 ha, vụ mùa 53.400 ha, cà phê 132.300 ha, hoa màu và cây khác 14.600 ha), đáp ứng được gần 76% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, thế nhưng hằng năm Đắk Lắk vẫn bị thiệt hại nặng nề cho hạn hán gây ra. Năm 2014, toàn tỉnh đã có 23.373 ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó mất trắng 10.169 ha; 7.237 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do giếng đào bị khô cạn. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, trong vụ đông xuân 2014-2015, toàn tỉnh có 61.446 ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó diện tích bị mất trắng 4.364 ha. Ngoài ra, có gần 19 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu ở các huyện Ea Súp, Krông Bông, Krông Ana, Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, Ea H’leo. Tổng thiệt hại ước tính trên 2.300 tỷ đồng, chưa kể đến những ảnh hưởng do hạn đến năng suất cây trồng dài ngày ở những vụ sau. Hiện tại Đắk Lắk đang giữa mùa mưa nhưng vẫn có 2 huyện phía Đông tỉnh là Ea Kar, M’Đrắk không có đủ nước để gieo cấy lúa, đến nay mới đạt 63-79% kế hoạch,  nhiều diện tích phải bơm chống hạn ngay từ đầu vụ. Tại huyện Lắk, thời vụ gieo trồng hè thu năm nay muộn hơn so với cùng kỳ năm 2014 do mưa đến muộn, lượng mưa đầu mùa không đều nên đất không đủ ẩm để người dân gieo tỉa các loại cây trồng, riêng 2 xã Buôn Triết và Buôn Tría vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-2015 đã có hạn cục bộ, Chi nhánh Quản lý công trình thủy lợi huyện Lắk đã phải đặt các trạm bơm dã chiến và nạo vét 1,4 km kênh để bơm tưới chống hạn.

Nhiều diện tích lúa vụ đông xuân 2013-2014 ở huyện Krông Pắc khô nứt nẻ do thiếu nước.
Nhiều diện tích lúa vụ đông xuân 2013-2014 ở huyện Krông Pắc khô nứt nẻ do thiếu nước.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN), nguyên nhân trực tiếp là do mùa mưa năm 2014 kết thúc sớm, lượng mưa các tháng cuối năm đạt thấp so với trung bình nhiều năm. 6 tháng đầu năm 2015, từ tháng 1 - 4 thời tiết chủ yếu nắng nóng, hầu như không có mưa. Từ tháng 5 có mưa rào đầu mùa, tổng lượng mưa tháng 5 phổ biến các vùng trong tỉnh đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 - 30%. Mực nước các sông suối mùa khô và đầu mùa mưa duy trì ở mức rất thấp, các suối nhỏ cạn kiệt hoàn toàn vào thời kỳ cuối mùa khô, đặc biệt các sông Krông Năng, Krông Pắc, suối lớn như Ea Tul cũng không còn dòng chảy. Nguyên nhân gián tiếp chính là năng lực trữ nước trong hệ thống hồ chứa ở Đắk Lắk còn rất yếu do quá nhiều hồ đập xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng hoặc bị thấm gần hết qua thân đập…, trong khi đó nguồn vốn dành cho đầu tư thủy lợi còn thấp; rừng bị tàn phá, thảm thực vật không còn nên không giữ được nước dẫn đến nguồn nước ngầm bị cạn kiệt.

Giải pháp nào?

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, hạn là một trong các loại thiên tai thường xảy ra hằng năm trên diện rộng và gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Để ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do hạn gây ra đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có sự tham gia chỉ đạo của UBND các cấp và nhiều sở, ngành liên quan. Trong đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp chú trọng theo sát diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp với UBND chỉ đạo việc xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng; khuyến cáo nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống hạn bảo vệ sản xuất với các biện pháp như thực hiện sản xuất theo kế hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường làm thủy lợi... Theo ông Nguyễn Đại Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Đắk Lắk, hạn hán đang có những diễn biến phức tạp, nguồn nước ngày càng khan hiếm, do đó chúng ta cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng nước trong sản xuất và sinh hoạt theo hướng tiết kiệm. Còn ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chia sẻ, hiện tượng El Nino đang ngày càng tấn công mạnh, khiến hạn hán xảy ra khốc liệt hơn, nguồn nước phục vụ sản xuất cũng khan hiếm hơn, do vậy ngoài giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thì cần xây dựng lộ trình tưới tiết kiệm, nhất là đối với cây cà phê, vì hầu hết các vùng sản xuất đang áp dụng tưới tràn, tưới đẫm nên rất lãng phí. Bộ NN-PTNT đang có kế hoạch sử dụng tưới tiết kiệm cho diện tích xung quanh các công trình thủy lợi Ea Kao, Buôn Joong, Krông Búk Hạ, từ đó nhân rộng mô hình ra nhiều nơi.

Nhiều diện tích lúa vụ đông xuân 2014-2015 ở huyện Krông Bông bị cháy khô do thiếu nước.
Nhiều diện tích lúa vụ đông xuân 2014-2015 ở huyện Krông Bông bị cháy khô do thiếu nước.

Trong thời gian qua, công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là hạn hán trên địa bàn tỉnh đã được triển khai kịp thời, các địa phương chủ động khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ, UBND cấp huyện chủ động bố trí ngân sách dự phòng của địa phương để hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại, bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân. UBND tỉnh đã kịp thời phân bổ kinh phí của Trung ương hỗ trợ để khắc phục thiệt hại do hạn gây ra với số tiền 119,5 tỷ đồng, trong đó năm 2014 là 43,2 tỷ đồng hỗ trợ giống khôi phục sản xuất và 40,6 tỷ đồng hỗ trợ chống hạn vượt định mức; 6 tháng đầu năm 2015 là 35,7 tỷ đồng hỗ trợ chống hạn vượt định mức.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc