Multimedia Đọc Báo in

Cư M'gar chú trọng phát triển chăn nuôi

09:02, 01/07/2015
Tuy không phải là thế mạnh của địa phương, nhưng những năm qua, được sự đầu tư đồng bộ, ngành chăn nuôi Cư M’gar ngày càng phát triển, góp phần đem lại nguồn thu nhập lớn, giúp nhiều gia đình xóa nghèo, vươn lên làm giàu.

Bén duyên với nghề chăn nuôi năm 2007, từ một mảnh vườn nhỏ với khu chuồng chỉ nuôi được vài chục con gà, đến nay gia đình ông Lưu Văn Đức, xã Ea M’droh đã có trang trại tổng hợp rộng 1 ha. Ông Đức chia sẻ, sau khi lập gia đình, ông chỉ có 100 m2 đất làm nhà ở, không có đất sản xuất nên ông bàn với vợ làm chuồng nuôi gà sao, hằng ngày hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn, mùa không có việc làm thì vào rừng hái măng đem xuống chợ huyện bán đong tiền mua gạo. Năm 2011, gia đình ông được phòng NN – PTNT huyện hỗ trợ con giống, thức ăn triển khai mô hình thí điểm chăn nuôi gà thả vườn từ chương trình phát triển chăn nuôi của huyện. Từ đó, ông được tiếp cận với hình thức, kỹ thuật chăn nuôi mới, quy mô lớn, được tham quan nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong và ngoài tỉnh rồi từng bước xây dựng, phát triển trang trại thành 3 khu: khu ở, chăn nuôi heo, chăn nuôi gà với hệ thống ăn, uống tự động… Nhờ đó, gia đình chủ động được thời gian, tăng gia sản xuất với 3 lứa heo (500 con/lứa), 3 lứa gà Hmông (2.000 con/lứa) thu về gần 400 triệu đồng/năm. Tương tự, gia đình ông Phan Xuân Sơn, đội 4, buôn Sút Mrư, xã Cư Suê cũng có trang trại gà với quy mô 9.000 con cho biết, trước đây gia đình chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tại gia với quy mô trên dưới 100 con gà ta để tự cung tự cấp thực phẩm. Nhận thấy nhu cầu gà thịt trên thị trường tăng mạnh nên năm 2011, theo quy hoạch của địa phương, ông chuyển trang trại về khu rẫy của gia đình tại buôn Sút Mrư để chăn nuôi gà siêu thịt. Theo đó, khoảng đất rộng 3 sào được phân chia thành 3 khu: khu ở, khu nuôi gà (2 trại nhỏ), kho chứa thức ăn. Chuồng gà được thiết kế theo kiểu nhà sàn, cách mặt đất 1,5 m, nền chuồng làm bằng cây le, bao lưới nên giảm thiểu nhân công chăm sóc, dọn vệ sinh hằng ngày, lại bảo đảm độ thông thoáng cho trại gà. Ngoài việc tiêm chủng vacine đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên thì ông còn căn thời gian nghỉ chuồng từ 1 - 2 tháng giữa các lứa gà để tiệt trùng chuồng trại. Nhờ đó, đàn gà của gia đình luôn sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 95 – 97%, ít dịch bệnh, thu lãi bình quân 500 triệu đồng/năm.

Cán bộ nông nghiệp huyện Cư M’gar kiểm tra mô hình chăn nuôi gà Hmông tại xã Ea M’droh.
Cán bộ nông nghiệp huyện Cư M’gar kiểm tra mô hình chăn nuôi gà Hmông tại xã Ea M’droh.

Ông Hoàng Quốc Tiệp, cán bộ nông nghiệp xã Cư Suê cho biết, nằm ven tỉnh lộ 8, gần TP. Buôn Ma Thuột, trung tâm huyện, chi phí vận chuyển thấp, khâu tiêu thụ luôn kịp thời nên những năm gần đây, chăn nuôi gà đang là thế mạnh của địa phương. Hiện tại, toàn huyện có 17 trang trại, trong đó 15 trang trại gà phát triển tập trung tại buôn Sút Mrư, bảo đảm khâu an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường…

Theo thống kê của Phòng NN – PTNT huyện, đến nay toàn huyện hiện có 17.000 con trâu, bò, 42.000 con heo, 5.500 con dê, 540.000 con gia cầm… Bên cạnh phát triển số lượng, chủng loại thì những năm gần đây, việc đầu tư, phát triển nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò cũng được quan tâm. Theo đó, các hộ dân đã biết tích trữ các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn, ủ rơm rạ với rỉ mật tăng hàm lượng chất dinh dưỡng, tận dụng đất trống quanh vườn để trồng cỏ VA 06 với diện tích trên 50 ha, tập trung tại các xã Cư M’gar, Ea Kpam, thị trấn Ea Pôk, Ea Kiết, Ea H’đing, Ea Tul…

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN – PTNT cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể để tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học – kỹ thuật sản xuất, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa theo quy hoạch của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đệm vững chắc để duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm của địa phương theo hướng bền vững.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.