Doanh nghiệp loay hoay đổi mới khoa học, công nghệ
Đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) là xu hướng tất yếu quyết định thành bại của doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khả năng đổi mới công nghệ của nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang còn hạn chế, khiến năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao.
Chủ động ứng dụng KHCN, cải tiến kỹ thuật
Là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng cây giống, Công ty TNHH MTV Dak Farm cũng rất chú trọng áp dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Thành công lớn nhất của đơn vị là nghiên cứu, tạo ra giống bơ nghịch mùa mang lại giá trị kinh tế cao, được người nông dân ưa chuộng. Giám đốc Huỳnh Ngọc Tư chia sẻ, tại Dak Lak chủ yếu chỉ có bơ chính vụ (từ tháng 5-9), còn bơ trái vụ rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Từ suy nghĩ đó, anh đã đầu tư công sức, tiền của nghiên cứu giống bơ trái vụ. Ròng rã trong 3 năm (từ 2007-2009), anh đi khắp các vùng trồng bơ ở Dak Lak và Dak Nông, tìm 100 cá thể bơ có gen trái vụ. Các cây đầu dòng được điều tra, nghiên cứu trên nhiều vùng trồng bơ. Cuối cùng, anh tuyển chọn được 5 cây tốt nhất cho năng suất, chất lượng cao và ổn định. Cuối năm 2009, 5 giống bơ trái vụ (ký hiệu từ CĐD-BO-41.01 đến CĐD-BO-41.05) được cơ quan chức năng chính thức công nhận. Chất lượng quả các cây đầu dòng được xem xét với rất nhiều tiêu chí thông qua phân tích và chọn lựa theo hướng phù hợp với xuất khẩu. Trong số này, có 1 dòng cho thu hoạch sớm (tháng 1 đến tháng 4), 3 dòng thu hoạch muộn (tháng 8 đến tháng 9) và 1 dòng thu hoạch rải vụ (tháng 10, 11 và tháng 2 đến tháng 4). Giá bán bơ trái vụ hiện nay cao gấp 4-5 lần so với các giống bơ chính vụ. Trong năm 2015, Công ty sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 80.000 ngàn cây giống cho nông dân các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Không chỉ chủ động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đơn vị cũng thường xuyên liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học trong việc nghiên cứu các công nghệ lai tạo giống mới, phòng chống sâu bệnh và ứng dụng công nghệ sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất giống. Bên cạnh đó, Công ty còn xây dựng vườn cây tập đoàn gồm nhiều giống cây ăn quả, lâm nghiệp và công nghiệp được cơ quan chuyên môn khuyến khích trồng để nông dân tham quan, áp dụng; đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân từ quy trình trồng, chăm sóc đến thu hoạch sản phẩm.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Đăng Phong. |
Cùng với đổi mới KHCN, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng được các DN hưởng ứng mạnh mẽ với nhiều đề tài, giải pháp tối ưu được áp dụng đã làm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Kể từ đầu năm 2015, việc kiểm tra công tơ điện tử mới trước khi nhập kho được Công ty Điện lực Dak Lak giao cho Đội Thí nghiệm (Xí nghiệp Điện cơ). Để thuận tiện cho công tác, các thành viên của Đội Thí nghiệm đã có sáng kiến lắp đặt một bàn kiểm từ những vật tư thu hồi và các vật liệu đơn giản, dễ kiếm trên thị trường. Theo đó, thiết bị này được tận dụng từ một giá treo công tơ cũ đã bỏ đi, được cải tiến thêm hai hàng giá “treo ngược” công tơ. Nhờ đó, chỉ cần đặt công tơ lên giá là có thể thực hiện công tác kiểm tra, khi tháo công tơ cũng không cần phải tháo lắp hộp đấu dây, đấu nối và tháo dây nguồn như trước đây. Mặt khác, bàn kiểm tra này cũng dễ dàng chuyển đổi để kiểm tra công tơ điện tử 3 pha khi cần thiết. Mặc dù còn khá đơn giản nhưng bàn kiểm định có những ưu điểm là dễ thao tác, góp phần tăng năng suất lao động lên gấp 6 lần.
Cần thêm những nguồn lực
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, ngày 17-1-2014, UBND tỉnh có Quyết định 176/QĐ-UBND phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá của DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020” với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 23,8 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng các mô hình điểm về năng suất, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; hỗ trợ DN đổi mới, cải tiến dây chuyền công nghệ thiết bị ít tiêu hao năng lượng, vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, giai đoạn 2008-2014, đã triển khai các đề tài KHCN có sự tham gia của DN với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Theo thống kê của Sở Khoa học - Công nghệ, hiện có 20 DN có hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, trong đó, 2 DN cơ khí phục vụ nông nghiệp được Chứng nhận DN KHCN gồm Công ty TNHH Viết Hiền, Công ty TNHH sản xuất thương mại Đăng Phong và Sở Khoa học - Công nghệ cũng đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận đối với Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn.
Cây giống của Công ty TNHH MTV Dak Farm thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân tại Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2015. |
Tuy đã có hỗ trợ, nhưng phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ của các DN vẫn còn hạn chế. Trong số hơn 5.800 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, hầu hết là DN nhỏ, rất nhỏ nên chưa tích cực đầu tư cho việc đổi mới, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh hoặc nếu có muốn cũng “lực bất tòng tâm”. Mặt khác, do năng lực tài chính hạn chế nên nhiều DN sử dụng công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, khiến năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hạn chế. Trong khi đó, theo đánh giá của các DN, tuy đã có cơ chế, chính sách, nhưng mức hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với DN trong việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN và cải tiến kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế từ các đơn vị. Còn phía cơ quan chức năng cho rằng khả năng tiếp cận, tìm hiểu thông tin về dây chuyền, máy móc thiết bị của các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn chưa đầy đủ, chính xác nên dẫn đến khó khăn cho việc nắm bắt nhu cầu hỗ trợ làm cơ sở cho việc triển khai đến các đơn vị.
Ông Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho rằng: Hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm mới sẽ quyết định năng lực hoạt động của DN trong xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Do đó, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn DN về triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, thiết bị; ưu tiên phát triển và thu hút DN ứng dụng công nghệ cao và xây dựng, chuyển giao các mô hình sản xuất mới đến người dân và các DN trên địa bàn.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc