Du lịch Đắk Lắk trên đà hút khách trở lại
Du lịch Đắk Lắk đã thu hút lượng lớn khách đến tham quan và nghỉ dưỡng trong 6 tháng đầu năm, điều này đã mở ra nhiều tín hiệu lạc quan cho mục tiêu đón 560.000 lượt khách trong năm 2015.
Theo Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, 6 tháng đầu năm 2015, ngành Du lịch đã đón 269.000 lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khách nội địa trên 243.000 lượt người, quốc tế 25.500 lượt người, công suất sử dụng buồng phòng đạt gần 62%, doanh thu đạt 211 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực, hứa hẹn nhiều hy vọng Đắk Lắk sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Du khách nước ngoài cưỡi voi vượt sông Sêrêpôk. |
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống cơ sở vật chất về du lịch của tỉnh được đầu tư khá bài bản, toàn tỉnh hiện có 183 cơ sở lưu trú với 3.670 phòng các loại có thể phục vụ hơn 6.000 du khách trong cùng một thời điểm. Trên địa bàn tỉnh có 38 doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 8 DN lữ hành quốc tế, 30 DN lữ hành nội địa, 4 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch, 1 đơn vị kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt chuẩn… cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch và mua sắm của du khách. Để thu hút khách, thời gian qua, bên cạnh việc chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú, chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên thì ngành Du lịch Đắk Lắk cũng đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa, đẩy mạnh liên kết tour, tuyến… Nhiều điểm, khu du lịch đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách mỗi khi có dịp đến với Đắk Lắk như Trung tâm du lịch Buôn Đôn, Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam, khu du lịch hồ Lắk, Vườn quốc gia Yok Đôn… Chỉ mới đi vào hoạt động không lâu nhưng Khu du lịch sinh thái Ko Tam đã thu hút lượng lớn khách đến tham quan. Dù chưa phải là cao điểm của mùa du lịch nhưng chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, khu du lịch này đã thu hút trên 100. 000 khách tham quan, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh chú trọng tạo một không gian du lịch xanh và cố gắng giữ lại nguyên sơ những gì là tự nhiên nhất để mang lại cảm giác thoải mái, thật sự hòa vào thiên nhiên cho du khách thì tại đây cũng duy trì nhiều hoạt động mang đậm bản sắc của người dân tộc bản địa như Lễ cúng sức khỏe của đồng bào Êđê, giao lưu cồng chiêng, xem người bản địa dệt thổ cẩm… Chị Trịnh Thị Hằng, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh không khỏi ngỡ ngàng, thích thú cho hay, đến với khu du lịch này, chị cảm nhận được một Tây Nguyên hoang sơ, hoa, cỏ bạt ngàn, mang đậm bản sắc dân tộc trong từng chiếc gùi, bến nước, quả bầu khô… mà không bị pha trộn bởi những nét văn hóa ngoại lai.
Khách tham gia chèo thuyền độc mộc, thuyền thúng tại Khu du lịch Ko Tam. |
Song, có lẽ điều làm thêm phần thích thú đối với nhiều du khách là đến đây không chỉ để ngắm cảnh, ăn uống, có dịp hiểu hơn về cảnh sắc và văn hóa đồng bào Tây Nguyên mà còn tham gia vào các hoạt động vui chơi khá thú vị như chèo thuyền thúng, bơi lội và chơi các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, bập bênh… Kể từ tháng 3-2015, khu du lịch bổ sung thêm các trò chơi như đạp vịt, tắm miễn phí tại bến nước nhân tạo… đã thu hút nhiều du khách tham gia. Chính việc mở thêm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phụ trợ càng tạo sự hứng thú cho khách.
Tương tự, dù ở cách khá xa TP. Buôn Ma Thuột nhưng du lịch trải nghiệm ở Vườn quốc gia Yok Đôn gần đây cũng thu hút nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài. Anh Philipp Rosel (du khách đến từ thành phố Wurzburg, Đức) chia sẻ, vẻ đẹp hoang sơ của Tây Nguyên có sức hút thật khó cưỡng đối với anh. Tham gia các tuyến du lịch khép kín trong Vườn quốc gia Yok Đôn (bằng hình thức cưỡi voi hoặc đi bộ xuyên rừng), được cùng đi chợ, nấu ăn tại nhà dân… đã mang đến những trải nghiệm thật lý thú và chắc chắn một ngày không xa, anh sẽ trở lại nơi này cùng với nhiều bạn bè nữa… Du lịch ở Vườn quốc gia Yok Đôn bây giờ là một sự trải nghiệm khá lý thú, bởi có khá nhiều sản phẩm du lịch để du khách lựa chọn như cưỡi voi thăm rừng nguyên sinh, đi dã ngoại trong rừng, đi xe đạp địa hình tham quan rừng, du thuyền độc mộc trên sông, tham quan buôn làng, đốt lửa trại giao lưu cồng chiêng, cắm trại, ngủ võng trong rừng… cùng 5 tuyến tham quan du lịch khép kín tại Vườn. Đặc biệt, gần đây khi đưa vào khai thác hai sản phẩm du lịch mới là học quản voi và tắm cùng voi trên dòng Sêrêpôk càng nhận được sự yêu thích của du khách.
Điều đáng nói là trong lúc nền kinh tế vẫn chưa hết nhiều khó khăn, người dân vẫn còn xu hướng hạn chế các khoản chi tiêu cho hoạt động du lịch, thế nhưng Đắk Lắk vẫn đón lượng khách tăng đáng kể. Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì ngoài việc đường sá, giao thông đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, những nỗ lực của ngành du lịch như đầu tư cơ sở vật chất, phát triển thêm các tour, tuyến mới… đã giúp du lịch Đắk Lắk đang trên đà hút khách trở lại. Tuy nhiên, để giữ chân du khách lâu dài, cần hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng tại mỗi điểm du lịch, tránh trùng lặp để không tạo cảm giác đơn điệu cho du khách và mất tính cạnh tranh lành mạnh trong du lịch; đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết và hợp tác phát triển du lịch liên vùng, khu vực, gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc