Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Quyết định 3210 và sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm

16:10, 08/07/2015
Sáng 7-7, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Quyết định 3210/QĐ-UBND, ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh (Quyết định 3210) và sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm. 
 
Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh; đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Dak Lak (NHNN); các sở, ban, ngành và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2015, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện quyết liệt các giải pháp tiền tệ - tín dụng của NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ gia đình, mở rộng tín dụng. Tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng cao (10,3%) và các TCTD đã tập trung đầu tư tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN vì vậy tăng trưởng dư nợ các lĩnh vực này cao hơn tăng trưởng tín dụng chung. Đến 30-6, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 13,3%; dư nợ cho vay doanh nghiệp tăng 11%; dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 18% so với đầu năm. Trong cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn cho vay, dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 44,9% tổng dư nợ, tăng 21,1% so với đầu năm, cho thấy các TCTD đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn trung, dài hạn để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. 
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Về kết quả triển khai Quyết định 3210, về phía ngành Ngân hàng, hầu hết các TCTD đều thành lập ban xử lý nợ xấu tại chi nhánh và các tổ xử lý nợ xấu tại các phòng giao dịch; triển khai thực hiện nhóm giải pháp như: tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng vay có triển vọng tốt, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, đánh giá lại tài sản bảo đảm... Về phía các sở, ban, ngành liên quan, đã triển khai thực hiện hoặc tham mưu cho UBND tỉnh một số giải pháp để xử lý nợ xấu của các TCTD. Tính đến 31-5-2015, các TCTD đã xử lý được trên 351 tỷ đồng nợ xấu, hiện nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh còn trên 1.242 tỷ đồng, chiếm 2,71% tổng dư nợ. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những khó khăn trong xử lý nợ xấu. Trong đó nhấn mạnh đến những nội dung có liên quan giữa ngành Tòa án, Thi hành án, Thuế, Công an, các dự án hoặc công trình đầu tư từ ngân sách Nhà nước với các TCTD.  
Đại diện Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Buôn Hồ trình bày vướng mắc trong xử lý nợ xấu
Đại diện Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Buôn Hồ trình bày vướng mắc trong xử lý nợ xấu
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đã góp phần quan trọng giúp địa phương hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Về việc triển khai Quyết định 3210, ngành Ngân hàng và các ngành liên quan đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trên thực tế vấn còn tồn tại nhiều vướng mắc cần giải quyết. Do vậy, thông qua Hội nghị, các cơ quan liên quan cần có trách nhiệm hơn trong việc phối hợp xử lý nợ xấu; cần tăng cường trao đổi thông tin, xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên. Về lâu dài, các TCTD cần nâng cao chất lượng công tác quản trị, kiểm soát rủi ro để hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh.
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.