Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong xử lý gỗ thủy tùng tang vật

10:04, 08/07/2015

Hơn 90 m3 gỗ thủy tùng quý hiếm thu giữ được do không có kho chứa phải để ngoài trời phơi mưa, nắng đang bị mục nát, hư hại từng ngày. Tuy nhiên, việc bán đấu giá gỗ thủy tùng để sung vào công quỹ Nhà nước vẫn đang phải chờ vì giá bán loại gỗ này không nằm trong danh mục giá do UBND tỉnh quy định.

Thủy tùng hay còn gọi là thông nước (có tên khoa học Glyptostrobus pensilis) thuộc nhóm IA, là loại thực vật đặc hữu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ của thế giới. Ở trên thế giới và Việt Nam hiện có hai quần thể thủy tùng  trong tự nhiên ở Trấp K’sơ (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) và Ea Ral (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Do mức độ quý hiếm của nó, mỗi mét khối gỗ thủy tùng được mua với giá hàng trăm triệu đồng.
Gỗ thủy tùng để tại sân Nhà văn hóa huyện Krông Năng.
Gỗ thủy tùng để tại sân Nhà văn hóa huyện Krông Năng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, số lượng gỗ thủy tùng thu giữ được tại các Hạt kiểm lâm trên địa bàn là 90,57m3, trong đó, huyện Krông Năng 50,6 m3, huyện Ea H’leo  23,35 m3, huyện Krông Buk 16,62 m3. Điều đáng nói là do không có kho chứa nên phần lớn số gỗ này phải để phơi mưa phơi nắng ngoài trời chịu ảnh hưởng của thời tiết khiến gỗ bị mục rữa dần, chất lượng gỗ giảm sút nghiêm trọng, giá trị khi bán đấu giá cũng giảm đi đáng kể.

Ở huyện Krông Năng - một trong những “thủ phủ” của gỗ thủy tùng, từ năm 2007-2009 khi cơn sốt gỗ thủy tùng lên đỉnh điểm, người dân ở đây lùng sục khắp nơi tìm kiếm những cây thủy tùng đã chết bị vùi lấp dưới nương rẫy, đồng ruộng đem đi bán cho các xưởng mộc để chế tác các vật dụng trang trí. Cũng trong thời gian này, các lực lượng chức năng của huyện thu giữ được  50,6m3 gỗ thủy tùng từ các vụ khai thác, vận chuyển trái phép. Trong đó, có đến 35m3 gỗ được tập kết tại sân của Nhà văn hóa huyện mà không được che chắn. Quan sát bằng mắt thường dễ nhận thấy những khối gỗ này đang bị mục rữa, cỏ dại mọc um tùm trên những thân khúc gỗ, một số khúc gỗ chỉ cần lấy tay bóp nhẹ là gỗ nát thành bụi. Ông Nguyễn Văn Tiếp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng cho hay, do gỗ thủy tùng thu giữ được là những gốc, thân cây lớn nên đơn vị không đủ kho bãi bảo quản mà phải gửi nhờ ở sân Trung tâm văn hóa huyện, dù biết để như vậy lâu ngày gỗ sẽ bị mục nát nhưng không còn cách nào khác.  Ngoài ra, mỗi tháng đơn vị phải bỏ ra 300 nghìn đồng để thuê người bảo vệ số gỗ này. Năm 2009, UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương cho phép sử dụng số gỗ này làm trang trí nội thất cho các cơ quan của huyện nhưng không được đồng ý. Đến 2013, UBND huyện Krông Năng tiếp tục xin thanh lý, sử dụng vào các công trình công cộng của huyện nhưng vẫn không được chấp thuận.

Theo ông Y Sy H’Dớk, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân của việc chậm trễ tìm phương án giải quyết đối với số lượng gỗ thủy tùng thu giữ được là do trước nay, trên cả nước chỉ có Dak Lak mới có gỗ thủy tùng; việc thu giữ loại gỗ này đã gây lúng túng cho các cơ quan chuyên môn khi đưa ra phương án giải quyết. Mặc dù, theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm khi tại khoản 2, Điều 9 đã nêu rõ “thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm 1A là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước thì được phép chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại”, tuy nhiên khi áp dụng đối với gỗ thủy tùng cũng có nhiều ý kiến khác nhau . Sau nhiều cuộc họp bàn, nhiều văn bản tham mưu, mới đây UBND tỉnh đã đồng ý cho bán đấu giá số gỗ thủy tùng này, tuy nhiên, vướng mắc mới lại nảy sinh khi cơ quan chức năng không biết bán thủy tùng với giá bao nhiêu vì giá bán loại gỗ này không nằm trong danh mục giá do UBND tỉnh quy định. Do đó, mới đây Sở NN-PTNT tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT cho cơ chế tiêu thụ và quy định giá bán đối với số gỗ này. Đến nay, Bộ NN-PTNT vẫn chưa có hồi đáp.

Trong khi chờ cơ quan chức năng đưa ra phương án giải quyết thì số gỗ thủy tùng này vẫn đang từng ngày bị nắng mưa làm mục nát, hư hại, chất lượng gỗ giảm sút.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.