Multimedia Đọc Báo in

Mô hình trồng dứa hiệu quả của người dân vùng sâu Krông Bông

09:35, 15/07/2015
Đến nay, đã có hơn 20 hộ dân ở một số thôn vùng sâu xã Cư Drăm và Yang Mao (huyện Krông Bông) đầu tư trồng dứa với diện tích gần 30 ha.
 
Theo đánh giá, dứa là loại cây chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với vùng đất đồi dốc ở vùng này; đặc biệt, trồng dứa đầu tư ít nhưng đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Một trong những người đầu tiên đưa cây dứa về trồng ở vùng sâu này là anh Đinh Văn Biển ở thôn 1, xã Yang Mao. Định cư tại Yang Mao từ năm 2000 với hơn 4 ha đất đồi dốc, gia đình anh Biển đã trồng nhiều loại cây như cà phê, điều, bơ, sầu riêng… Đến năm 2005, anh Biển mua hơn 1.000 hom dứa trồng xen canh dưới tán điều và sầu riêng. Sau 3 năm dứa cho thu hoạch, quả to, bán được giá trong khi chi phí đầu tư thấp hơn so với các loại cây trồng khác. Anh Biển quyết định mở rộng diện tích đất đồi dốc còn lại để đầu tư trồng hơn 2 ha dứa. Thấy trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa qua anh Biển lại chuyển đổi hơn 6 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp để trồng tiếp 9.000 gốc dứa. Đến nay từ gần 3 ha dứa, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng. Anh Biển cho hay: “Trồng dứa vất vả 2 năm đầu khi mới trồng. Mỗi năm làm cỏ 4 lần và vun gốc. Từ năm thứ 3 trở đi, khi bước vào thu hoạch chỉ cần làm cỏ 2 lần. Trồng dứa không cần phải tưới nước, bón phân ít và không dùng đến thuốc trừ sâu. So với cây cà phê thì trồng dứa đầu tư ít hơn nhưng lợi nhuận kinh tế lại cao hơn. Thời gian thu hoạch dứa dài, bắt đầu thu từ giữa tháng 4 đến hết tháng 6 âm lịch nên bà con chủ động được thời gian. Đầu ra của quả dứa hiện nay cũng khá ổn định”. Anh Trần Hữu Nam ở thôn 1, xã Cư Drăm phấn khởi: “Hai năm trở lại đây dứa được giá. Dứa bẻ về là có thương lái đến tận nhà đặt mua hết ngay. Bán sỉ giá từ 6.000 đến 13.000 đồng/quả tùy từng loại. Gia đình tôi có 2 ha đất trồng dứa, mỗi năm trừ chi phí cũng thu được hơn 100 triệu đồng”. 

Thương lái vào tận nhà dân mua dứa.
Thương lái vào tận nhà dân mua dứa.

Ngoài việc bán quả dứa, các gia đình ở đây còn có thu nhập thêm hàng chục triệu đồng từ tiền bán dứa giống. Gia đình bà Trần Thị Liên ở thôn 2, xã Cư Drăm trồng 1 ha dứa bán được trên 70 triệu đồng. Vừa qua bà Liên còn thu được 17 triệu đồng từ bán dứa giống cho những hộ trồng mới. Bà Liên cho biết: “Hai năm nay rất nhiều người từ các thôn khác trong xã và ở địa phương khác như xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), xã Cư Ea Lang (huyện Ea Kar) cũng đến mua dứa giống. Hom dứa bẻ về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Năm ngoái tôi cũng bán được hơn 20 triệu đồng tiền giống”.

Hiện nay, ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông là Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao còn rất nhiều diện tích đất triền đồi phù hợp để trồng dứa cho thu nhập cao, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có số ít bà con tự phát trồng xen canh cây dứa với một số cây trồng khác; còn lại, đa số bà con vẫn chủ yếu trồng các loại cây như lúa rẫy, cà phê, điều... Chính quyền địa phương cũng đang thận trọng đánh giá thật kỹ về hiệu quả của loại cây này. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm tâm sự: “Trồng dứa chi phí ít, hiệu quả cao. Tuy nhiên địa phương vẫn đang cân nhắc, chưa dám vận động bà con trồng đại trà vì còn phải nghiên cứu thị trường. Chỉ khuyến khích bà con chuyển đổi trồng dứa ở một số diện tích cây trồng kém năng suất như cây điều, cây cà phê do già cỗi, đất xấu, thiếu nước tưới hoặc những vùng đất còn bỏ hoang. Nếu ồ ạt chạy theo phong trào, chuyển đổi không phù hợp, phá vỡ quy hoạch, đặc biệt, khó khăn về đầu ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con”.

 Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.