Multimedia Đọc Báo in

Nghiêm cấm sử dụng cây giống mắc ca từ hạt hoặc cây ghép không rõ nguồn gốc

11:19, 02/07/2015

Nghiêm cấm sử dụng cây giống mắc ca từ hạt hoặc cây ghép không rõ nguồn gốc là một trong những nội dung quan trọng mà Sở NN-PTNT khuyến cáo việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn Dak Lak.

ảnh
Vườn ươm cây giống mắc ca ở huyện Krông Năng

Cây mắc ca là giống nhập nội đã được Bộ NN-PTNT trồng khảo nghiệm và được Tổng cục Lâm nghiệp công nhận là loài cây lâm nghiệp. Từ năm 2004, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trồng khảo nghiệm dòng vô tính mắc ca tại huyện Krông Năng. Kết quả đã chọn ra được 4 dòng có sản lượng vượt trội so với trung bình chung là OC, 246, 816 và 849. Trên cơ sở đánh giá năng suất của các dòng xây dựng giai đoạn 2002-2004 ở các vùng sinh thái, Bộ NN-PTNT đã công nhận giống Quốc gia là các dòng OC, 246 và 816 cho các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc; giống tiến bộ kỹ thuật là các dòng 816, 849 cho vùng Tây Nguyên. Hiện nay, nhu cầu mắc ca toàn cầu khá lớn, riêng năm 2014, 70% nhân mắc ca trên phạm vi toàn cầu được tiêu thụ tại 5 thị trường Mỹ, Đức, Australia, Nhật Bản và Brazin. Trung Quốc là thị trường mới nổi, ước tính Trung Quốc tiêu thụ 35-40 nghìn tấn trong năm 2014 và năm 2015 sẽ tiêu thu lớn hơn 40 nghìn tấn. Tuy nhiên, Việt Nam chưa hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca và cũng chưa xác định được thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Theo đó, định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn Dak Lak sẽ là xây dựng quy hoạch chi tiết đến tiểu vùng, làm căn cứ để phát triển cây mắc ca theo đúng quy hoạch. Đối với công tác giống và quản lý giống, chỉ sử dụng cây ghép từ các giống được công nhận, nghiêm cấm sử dụng cây từ hạt hoặc cây ghép không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quản lý nguồn gốc, công suất vườn ươm thông qua việc đánh giá vườn cung cấp mắt ghép. Mỗi diện tích trồng mắc ca cần sử dụng 3-5 giống khác nhau, ưu tiên trồng xen với cà phê, chè, trồng trong vườn hộ; nếu trồng tập trung phải được đầu tư, chăm sóc như đối với các loại cây lấy quả khác. Việc mở rộng trồng cây mắc ca vào đất rừng cần lưu ý có khả năng gây giảm một số yếu tố của rừng như khả năng hấp thụ CO2, đa dạng sinh học, khả năng chống xói mòn cùng với các giá trị môi trường khác của rừng.

ảnh
Vườn trồng xen mắc ca với cây tiêu tại huyện Krông Năng

Trên cơ sở đánh giá và định hướng nêu trên, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã trước mắt cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung sau: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến cây mắc ca cho người dân biết và thực hiện; chỉ nên trồng thử nghiệm, trồng xen trong vườn và chỉ trồng các giống vô tính (cây ghép) từ các dòng đã được công nhận; việc phát triển mắc ca phải gắn với quy hoạch, người trồng phải gắn với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ để phát triển bền vững; tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng giống, cơ sở sản xuất giống trên địa bàn. UBND cấp huyện có kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cung ứng và kinh doanh giống mắc ca không bảo đảm điều kiện sản xuất, kinh doanh giống, giống không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không bảo đảm chất lượng theo quy định; căn cứ vào đặc điểm khí hậu, đất đai của từng vùng, các địa phương có thể bố trí mô hình trồng mắc ca khác nhau (1-2 ha), với giống khác nhau để có cơ sở đánh giá mức độ phù hợp và hiệu quả kinh tế của loại cây này…
 

Minh Thuận
 


Ý kiến bạn đọc