Nguồn nhân lực phục vụ du lịch: Cung chưa đáp ứng cầu
Trong những năm qua, cùng với tốc độ tăng trưởng của ngành, số lượng lao động du lịch đã có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên so với nhu cầu của hoạt động du lịch hiện nay và yêu cầu phát triển trong những năm tới thì nguồn nhân lực phục vụ du lịch của tỉnh vừa thiếu về số lượng, vừa không bảo đảm về chất lượng.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/2012/NQ-HĐND về phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015, ông Cao Xuân Xảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk nhận định: Lực lượng lao động trong ngành du lịch của huyện còn ít, mang tính thời vụ, thiếu chuyên nghiệp. Văn hóa ứng xử và trình độ ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực trong ngành du lịch hầu hết chưa được đào tạo cơ bản và chưa được cập nhật thông tin, kiến thức thường xuyên. Khi tuyển nhân viên, chủ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh muốn tiết kiệm chi phí nhân công nên chủ yếu thuê lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Mặt khác do bị ảnh hưởng bởi tính chất mùa vụ nên việc sử dụng lao động du lịch không thường xuyên dẫn tới một bộ phận lao động du lịch đã được đào tạo không có việc làm phải tìm việc làm khác. Hiện nay, nhân lực phục vụ du lịch huyện Lắk là gần 60 người (lao động trực tiếp: 26 người, lao động gián tiếp 33 người); trong đó, lao động đã qua đào tạo 7 người, còn lại là lao động chưa qua đào tạo - chủ yếu chỉ mới tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn...
Du khách nước ngoài cưỡi voi thưởng ngoạn phong cảnh tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn. Ảnh: Hoàng Gia |
Có thể nói, đánh giá về nguồn nhân lực của huyện Lắk như trên cũng đã phần nào phản ánh tình hình chung về nguồn nhân lực hiện nay của tỉnh. Qua thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, Đắk Lắk có khoảng hơn 6.000 lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp trong các doanh nghiệp kinh doanh và khai thác du lịch; trong đó, tỷ lệ người lao động đã được đào tạo nghề (từ trung cấp trở lên) chiếm gần 48%. Nhìn chung, tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch vẫn còn thấp; lao động có chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề còn ít; thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao và cán bộ giỏi về quản lý và điều hành kinh doanh du lịch. Với thực trạng này, vấn đề nhân lực để phát triển du lịch Đắk Lắk trong hiện tại và tương lai là yêu cầu bức thiết đặt ra. Bởi nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng, có tác động quyết định trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp và sự phát triển ngành du lịch địa phương. Các doanh nghiệp du lịch có phát triển kinh doanh được hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân viên của mình.
Là một trong những đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch được coi là khá hiếm hoi trên địa bàn tỉnh chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, từ năm 2010-2014, Công ty CP Du lịch Đắk Lắk đã cử hơn 300 lượt cán bộ, công nhân viên và người lao động đi đào tạo, với kinh phí hơn 350 triệu đồng. Ông Trương Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đắk Lắk cho biết: Hiện nay, tổng số cán bộ, công nhân viên của Công ty là hơn 230 người; trong đó trình độ trung học phổ thông: 208 người, THCS: 27 người, thạc sĩ: 1 người, đại học: 50 người, cao đẳng: 29 người, trung cấp 55: người, sơ cấp: 73 người. Để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, nhất là sau khi đưa Khách sạn Sài Gòn – Ban Mê đi vào hoạt động, Công ty đã rất chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực bằng các biện pháp: Ký hợp đồng với Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ du lịch Yasaka (Nha Trang) tổ chức mở các lớp đào tạo nghiệp vụ tại Công ty; tổ chức cho những cán bộ thuộc quy hoạch đi học tập ở Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn SaigonTourist (TP. Hồ Chí Minh), Trường Hướng nghiệp Á – Âu (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Thể dục Thể thao dưới nước TP. Hồ Chí Minh... Ngoài ra, Công ty còn thường xuyên cử một số cán bộ công nhân viên ở các bộ phận bếp, bàn, kỹ thuật... đi học thực tế để nâng cao tay nghề ở các khách sạn trong hệ thống của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn như: Khách sạn Kim Đô, Khách sạn Rex, Làng Du lịch Bình Quới...
Tuy nhiên, những đơn vị “đi trước đón đầu”, quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực như Công ty CP Du lịch Đắk Lắk lại không nhiều; chủ yếu công tác đào tạo nguồn nhân lực vẫn là do Nhà nước tổ chức với nguồn kinh phí còn rất khiêm tốn so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2014, ngành Du lịch Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức được 15 lớp tập huấn về nâng cao năng lực cho hoạt động du lịch với tổng số 650 lượt người tham dự (thành phần tham dự là cán bộ quản lý nhà nước; quản lý, nhân viên phục vụ, dịch vụ du lịch, tài xế vận chuyển khách du lịch, tài xế taxi, xe ôm, cộng đồng dân cư tham gia phục vụ du lịch ở huyện Lắk và huyện Buôn Đôn). Riêng kế hoạch năm 2015, sẽ tổ chức 7 lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch cho khoảng 400 lượt người tham dự. Tổng kinh phí cho việc đào tạo, tập huấn các lớp trên khoảng 1.060 triệu đồng - chỉ mới đạt 21,2% so với kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015. Trong đó, ngân sách tỉnh là 550 triệu đồng, ngân sách Trung ương là 310 triệu đồng và nguồn xã hội hóa là 200 triệu đồng.
Thiết nghĩ, vì mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, ngành Du lịch cần xây dựng được nguồn nhân lực đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý và đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu phát triển du lịch trong giai đoạn tới và sử dụng được nguồn nhân lực nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư địa phương; từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và tạo dựng được hình ảnh đẹp cũng như thương hiệu du lịch trong lòng bạn bè, du khách.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc