Multimedia Đọc Báo in

Nhiều cái "khó" khi Luật "chờ" hướng dẫn

09:43, 29/07/2015

Từ ngày 1-7-2015, hàng loạt Luật mới có hiệu lực thi hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung. Tuy nhiên, đến nay cơ quan quản lý vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn khiến cho việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Hàng loạt Luật hỗ trợ DN có hiệu lực thi hành

Trong số các Luật có hiệu lực thi hành từ 1-7, đáng chú ý có nhiều Luật được áp dụng nhằm hỗ trợ cho DN như: Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư... Trong số đó, Luật DN được xem là tạo bước đột phá trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Luật DN có 10 chương, 172 điều đã thể chế hóa một cách đầy đủ quyền kinh doanh của DN theo Hiến pháp: DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Luật có nhiều cải cách quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường. Hay như Luật Đầu tư cũng được xem là có nhiều thay đổi mang tính đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Theo đó, một trong những điểm mới quan trọng được sửa đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư là bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước; đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà thầu nước ngoài (từ 45 ngày theo luật Đầu tư 2005 xuống còn 15 ngày). Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án đầu tư.

Người dân đăng ký kinh doanh tại phòng “một cửa” Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Người dân đăng ký kinh doanh tại phòng “một cửa” Sở Kế hoạch - Đầu tư.

Thuận lợi nhưng phải... chờ!

Với hàng loạt thay đổi, để tránh sai sót đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng, nhưng đến nay đã gần hết tháng 7, Luật vẫn phải… chờ hướng dẫn. Một trong những hướng dẫn thi hành Luật được nhiều DN trên địa bàn tỉnh trông đợi nhất là hướng dẫn việc cấp Giấy Đăng ký kinh doanh và tự quyết định con dấu. Bởi theo Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, từ 1-7, DN được tự quyết định hình thức, nội dung và số lượng con dấu, và phải thông báo mẫu dấu với Sở Kế hoạch - Đầu tư trước khi sử dụng. Theo đó, DN có thể có nhiều con dấu và chỉ cần thể hiện được 2 nội dung cơ bản trên con dấu là tên và mã số DN. Thoạt đầu, quy định này nghe có vẻ đơn giản, nhưng theo đại diện một DN xây dựng trên địa bàn tỉnh thì để thực hiện quy định mới này, sau khi nhận thông báo về dấu của DN, phòng đăng ký kinh doanh sẽ trao giấy biên nhận cho DN, thực hiện đăng tải thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN và cấp thông báo về việc đăng tải thông tin... Do đó, DN gặp khá nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian chờ đợi mới có thể sử dụng được con dấu của mình vì còn phụ thuộc vào thời gian thẩm định hồ sơ, biên nhận, thông báo, đăng tải thông tin. Và đặc biệt là DN phải lưu giữ quá nhiều giấy tờ như quyết định hoặc biên bản về việc sử dụng con dấu, số lượng, nội dung, hình thức con dấu; thông báo gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh; thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh về việc đăng tải thông tin; kiểm tra trên hệ thống thông tin quốc gia về DN. Cùng với đó, từ thời điểm này, DN sẽ không phải cung cấp mã ngành khi đăng ký kinh doanh và số lượng ngành nghề hoạt động cũng không bị hạn chế. Thế nhưng quy định này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi xin cấp Giấy Đăng ký kinh doanh vẫn xảy ra trường hợp cơ quan chức năng yêu cầu điền thông tin về ngành nghề kinh doanh.

Đó chỉ là những ví dụ điển hình về việc khó thực hiện Luật khi chưa có hướng dẫn. Có thể nói, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật có thể xem là câu chuyện không mới ở nước ta khiến thời gian từ khi các bộ Luật được thông qua cho tới khi áp dụng là rất dài, thậm chí không ít trường hợp, văn bản hướng dẫn còn đi ngược lại quy định của Luật, gây thiệt hại cho DN. Việc các Bộ, ngành liên quan ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn sẽ góp phần đưa các Luật sớm đi vào cuộc sống.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.