Những kết quả đáng ghi nhận sau 5 năm thực hiện chương trình giao thông nông thôn
Sau 5 năm (2010-2015) triển khai, Chương trình xây dựng, quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các huyện, xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đắk Lắk hiện có 7.581 km đường các loại và 410 cầu, trong đó, 5 tuyến Quốc lộ là 14, 14C, 26, 27 và 29 dài 581 km; tỉnh lộ có 11 tuyến dài 351 km; đường huyện có 71 tuyến dài trên 1.400 km; đường xã, thôn, buôn có 741 tuyến, dài 3.220 km. Giai đoạn 2010 - 2014, tổng số các loại đường cầu được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới tương ứng 1.893 km và 131 cầu, trong đó tỷ lệ tương ứng là: đường tỉnh gần 15,5%; đường huyện trên 27,4%; đường xã 10,7%; đường thôn, buôn 27%. Tổng kinh phí đầu tư trên 3.200 tỷ đồng, riêng tiền huy động trong nhân dân hơn 178 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, thực hiện phong trào thi đua XDNTM, các địa phương trong tỉnh đã huy động sức dân làm mới được 45 km đường bê tông, sửa chữa trên 70 km đường GTNT, san ủi giải phóng mặt bằng 38,3 km đường..., với tổng số tiền đóng góp trên 11 tỷ đồng, hiến hơn 70.000 m2 đất, đóng góp 11.000 ngày công lao động để làm đường cùng với xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn..., con số này quả không nhỏ nếu biết rằng điều kiện kinh tế của người dân tại các vùng nông thôn còn thấp. Trong phong trào xây dựng đường GTNT, nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo, có sự hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế trong việc huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông, điển hình là các xã Ea Ô (Ea Kar), Ea Tul (Cư M’gar), Ea Bar (Buôn Đôn), Hòa Đông (Krông Pắc), Ea Tiêu (Cư Kuin), Hòa Thuận, Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột)…
Người dân huyện Krông Búk tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Xác định GTNT là một trong những tiêu chí quan trọng trong XDNTM, ngay từ những ngày đầu triển khai, UBND tỉnh và các địa phương đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng giao thông. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân tự tổ chức thực hiện, Nhà nước hỗ trợ xi măng, sắt thép và 1 số vật liệu, nhiều tuyến đường bê tông bền đẹp nối liền các thôn, buôn đã được hoàn thành. Đa số người dân đều tích cực hưởng ứng phong trào, chẳng hạn, năm 2012, câu chuyện của ông Phạm Minh Chuyền, Chủ tịch xã Ea Ô dùng sổ đỏ của gia đình thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng làm đường nông thôn - là tấm gương tiêu biểu để người dân thay đổi cách nghĩ về việc đóng góp tiền bạc, công sức làm đường. Năm 2014, từ sự khởi xướng của 5 hộ dân thôn 8, xã Ea Tiêu là Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Thái Học, Đinh Xuân Thắng, Hoàng Năng Hùng và Trương Đức Long, phong trào làm đường tại đây đã lan tỏa rộng khắp, có gia đình đóng góp hàng chục triệu đồng… Với kết quả trên, nhiều địa phương điển hình của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải tặng Bằng khen như nhân dân và cán bộ xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar), mới đây nhất xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột).
Tuy nhiên, GTNT của tỉnh hiện nay vẫn đang còn nhiều khó khăn như một số tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã ngày một xuống cấp nhưng chưa được khắc phục sửa chữa. Đặc biệt, công tác bảo trì đường GTNT hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, kinh phí được cấp hằng năm phục vụ bảo trì chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chưa tương xứng với hệ thống đường GTNT, cụ thể, kinh phí duy tu bảo dưỡng đường tỉnh (tính từ 2012-2014) chỉ được cấp khoảng 65 triệu đồng/km/năm, trong khi nhu cầu khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, kinh phí sữa chữa các tuyến đường huyện, xã, thôn, buôn không đáng kể hoặc không có.
Ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, Đắk Lắk là một tỉnh có địa hình đồi núi dốc, nhiều sông suối, nhưng nhờ sự quan tâm của địa phương trong việc đẩy mạnh phong trào xây dựng hạ tầng GTNT, đặc biệt là sự tham gia đóng góp rất lớn của người dân đã tác động đến hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng thuận lợi, dễ dàng hơn.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 11/152 xã đạt tiêu chí số 2 về GTNT; tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT đạt 60,85%; đường trục thôn, xóm được cứng hóa 29%; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa 41%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi đạt 15%.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc