Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện M'Đrắk gặp khó khăn trong chuyển đổi cây trồng tránh hạn

09:59, 27/07/2015
Theo lịch sản xuất vụ hè thu năm 2015, đối với cây lúa nước, trà sớm bắt đầu đi vào gieo sạ từ ngày 1-6, trà chính từ ngày 16-6 và kết thúc ngày 15-7-2015.
 
Thế nhưng, do đặc thù khí hậu mùa mưa đến muộn hơn các vùng khác trong tỉnh tình hình thiếu nước sản xuất nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống của các loại cây trồng trên địa bàn huyện M’Đrắk, đến nay, toàn huyện chỉ mới thực hiện gieo sạ trên 41% diện tích lúa hè thu, diện tích còn lại hầu như không triển khai nếu trời không mưa. Mặc dù được khuyến cáo cần phải chuyển đổi sang những cây trồng ít tốn nước nhưng nông dân trên địa bàn huyện vẫn loay hoay trước câu hỏi: hướng chuyển đổi như thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời điểm hạn hán gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay?

Trong tình trạng “nắng hạn chờ mưa”, nông dân ở tổ dân phố 4, thị trấn M’Đrắk đang rất lo lắng khi nguồn nước cung cấp cho tổng diện tích 24,5 ha lúa nước từ đập Ea Ksung và đập Hồ Sen phục vụ sản xuất cho 80 hộ dân trên địa bàn, đã cạn kiệt. Còn tại cánh đồng của các Tổ dân phố 1, 3, 5, 10… (thị trấn M’Đrắk), những ngày này, nhiều hộ dân đứng ngồi không yên bởi lịch gieo trồng lúa vụ hè thu đã qua phần lớn thời gian nhưng nguồn nước phục vụ cho sản xuất chủ yếu lấy từ công trình thủy lợi đập Krông Jing (xã Cư Mta) hiện nay đã xuống mức rất thấp, chỉ đủ cung cấp cho một số diện tích của nông dân xã Cư Mta ở đầu nguồn gieo sạ. Vì vậy, hơn 49 ha đất trồng lúa còn lại (nằm trong diện tích cấp nước của đập Krông Jing) không thể xuống giống, hàng chục héc-ta đất bỏ trống. Trước tình trạng này, Ban tự quản của các địa phương cũng rất lúng túng trong việc vận động người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác để bù đắp sản lượng lương thực bởi vì dù là loại cây nào thì cũng cần phải có nước để gieo trồng nên đành phải chờ… trời.

Nông dân đang nạo vét lòng suối để có nguồn nước bơm phục vụ việc gieo sạ tại cánh đồng tổ dân phố 3, thị trấn M’Đrắk.
Nông dân đang nạo vét lòng suối để có nguồn nước bơm phục vụ việc gieo sạ tại cánh đồng tổ dân phố 3, thị trấn M’Đrắk.

Được biết, vụ hè thu năm nay, thị trấn M’Đrắk có 90 ha lúa nước nhưng đến thời điểm này, địa phương vẫn chưa thể triển khai công tác gieo sạ. Ông Trương Văn Phan, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Chính quyền và bà con nhân dân đã tập trung tìm các giải pháp chuyển đổi cây trồng tránh hạn, thế nhưng việc chuyển đổi cây trồng gặp rất nhiều khó khăn do yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất là nguồn nước hiện rất hạn chế. Thời gian qua, người dân cũng chuyển đổi sang các cây trồng khác như: cà tím, dưa, rau màu... nhưng nếu thiếu nước thì sản lượng cũng không thể đạt, thậm chí có hộ mất trắng.

Theo báo cáo của Chi nhánh Quản lý công trình thuỷ lợi M’Đrắk, hiện nay hầu hết các công trình thủy lợi đang ở mực nước chết trong khi toàn huyện hiện còn có 509 ha đất trồng lúa không có nước để gieo sạ (trên tổng diện tích 900 ha trồng lúa nước do đơn vị quản lý). Chi nhánh hiện đang triển khai bơm chống hạn ở đập Ea Má và đập Krông Jing (xã Cư Mta), đối với những nơi nguồn nước ít thì các địa phương huy động máy bơm cá nhân của nhân dân để bơm nước gieo sạ. Tuy nhiên, thực tế nguồn nước hiện nay rất hạn hẹp, bởi từ tháng 12-2014 trở lại đây trên địa bàn huyện chỉ xảy ra một trận mưa lớn nhất vào rạng sáng ngày 6-5-2015 với lượng mưa khoảng 22,3 mm, còn lại hầu như không có mưa lớn. Do vậy, việc triển khai sản xuất lúa vụ hè thu gần như không thực hiện được. Theo kế hoạch, vụ hè thu 2015, huyện M’Đrắk sẽ gieo trồng 2.047 ha nhưng đến thời điểm này, toàn huyện chỉ mới gieo sạ được hơn 853 ha, đạt 42%.

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2014-2015 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa 2015 của huyện M’Đrắk, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là công tác chuyển đổi cây trồng tránh hạn. Đối với diện tích thiếu nước nghiêm trọng, chính quyền các cấp vận động người dân chuyển đổi sang các cây trồng cần ít nước như: ngô, đậu... Tuy nhiên, việc này cũng khó khả thi bởi ngoài thiếu nước, ở hầu hết các vùng sản xuất, nông dân vẫn loay hoay trước câu hỏi: chuyển đổi như thế nào để không rơi vào tình cảnh sản xuất đã khó mà tiêu thụ nông sản lại càng khó khăn hơn? Bên cạnh đó, ngoài nước tưới, việc chuyển đổi cây lúa sang cây trồng khác còn chịu tác động bởi các yếu tố về tập quán canh tác, kỹ thuật, thổ nhưỡng... Mặt khác, với đặc điểm tự nhiên của huyện M’Đrắk (mùa hạn và mùa lũ cách nhau chỉ vài ba tháng) thì khó tìm được một loại cây trồng nào có thể thích ứng khí hậu. Vì vậy, cho đến nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn là bài toán khó không chỉ với nông dân mà cả các các cấp quản lý của huyện M’Đrắk.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.