Rau an toàn: Thiếu cái bắt tay của "4 nhà"
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 8 nghìn ha trồng rau xanh nhưng diện tích trồng rau, củ, quả an toàn đạt chứng nhận VietGAP (sản phẩm VietGAP) chỉ có 21 ha, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ về diện tích lẫn sản lượng.
Thực tế có một nghịch lý là trong khi người tiêu dùng ra sức tìm kiếm sản phẩm rau sạch để mua, thì sản phẩm VietGAP vẫn không tiêu thụ được. Vậy đâu là nguyên nhân khiến người tiêu dùng và người sản xuất chưa gặp nhau mặc dù nguồn cung ít mà nhu cầu lại nhiều?
Lý giải vấn đề này, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do một số tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động chưa có hiệu quả vì năng lực, trình độ cán bộ quản lý còn yếu, chưa có định hướng trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất; thương hiệu của sản phẩm VietGAP chưa đủ mạnh, chưa thu hút và tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng; việc kiểm soát sản phẩm VietGAP còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn… Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT cũng đã tổ chức khá nhiều cuộc họp, hội thảo để “4 nhà” ngồi lại với nhau cùng tìm giải pháp cho thị trường tiêu thụ sản phẩm VietGAP. Theo các nhà sản xuất, kinh doanh, hiện nay hành lang pháp lý trong việc kiểm soát rau an toàn chưa chặt, các nhà thu mua chỉ cần tìm đến một đơn vị sản xuất rau an toàn nào đó mua hàng để có được tờ giấy chứng nhận về nguồn gốc rau, sau đó thì không tiếp tục mua nữa mà họ mua rau trôi nổi ngoài thị trường với giá rẻ hơn, khi bị kiểm tra thì họ vẫn có tờ giấy chứng nhận ngụy trang trót lọt! Đó là chưa kể đến các trường học có bếp ăn tập thể, khi được kiểm tra, các trường vẫn đưa ra giấy chứng nhận rau, củ, quả an toàn, nhưng trên thực tế, rau VietGAP không xâm nhập được vào các bếp ăn tập thể của trường học vì giá cao hơn các loại rau thông thường khác. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã quan tâm bố trí điểm bán sản phẩm VietGAP cho HTX tại một số chợ nhưng lại ở một vị trí rất khuất, ít người để ý, đã vô tình làm “khó” người bán rau sạch… Chính vì vậy, các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm VietGAP mong muốn Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn và pháp lý (như đưa ra quy trình kiểm tra chặt hơn, gồm kiểm tra nhật ký, phiếu nhận hàng hằng ngày, giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc…) để các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể xây dựng những cửa hàng, điểm bán cung ứng rau sạch, tiến tới xây dựng thương hiệu. Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh thực phẩm, cùng với việc cung cấp kiến thức về rau an toàn cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, đáp lại nguyện vọng của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm VietGAP, các Sở ngành liên quan lại đổ trách nhiệm vòng quanh với rất nhiều lý do như: thiếu kinh phí và nguồn nhân lực; không có chế tài và chuyên môn để kiểm tra sâu vấn đề rau an toàn… Thậm chí có sở đổ trách nhiệm ngược lại cho nhà sản xuất, kinh doanh khi cho rằng: làm ra sản phẩm thì phải tự tìm nơi bán, đây không phải là trách nhiệm của ngành quản lý…
Rõ ràng, giữa nhà sản xuất, kinh doanh và nhà quản lý chưa tìm được tiếng nói chung trong việc tháo gỡ vướng mắc cho thị trường tiêu thụ sản phẩm VietGAP trên địa bàn Dak Lak. Chừng nào “4 nhà” chưa có cái bắt tay chặt chẽ thì sản phẩm VietGAP vẫn cứ mãi loay hoay với bài toán đầu ra và người tiêu dùng luôn phải tự biến mình thành thông thái khi đi chợ…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc