Multimedia Đọc Báo in

Tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với chất lượng

09:14, 14/07/2015
Từ đầu năm đến nay, tình hình tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khá khả quan.

Khác với diễn biến của những năm gần đây, 6 tháng đầu năm 2015, tín dụng đã có sự tăng trưởng trở lại. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN), tính đến hết tháng 6-2015, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 50.212 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 10,3% so với đầu năm. Đây là tốc độ tăng trưởng khá cao so với mặt bằng chung của cả nước (6,09%). Trong đó, đáng chú ý là dư nợ cho vay trung, dài hạn tăng trưởng mạnh, đạt 22.562 tỷ đồng, chiếm 44,9% tổng dư nợ cho vay, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng 21,1% so với đầu năm. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, tổng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 21.042 tỷ đồng, chiếm 41,9% tổng dư nợ cho vay; tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; tăng 15,3% so với đầu năm; cho vay xuất khẩu ước 1.323 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ toàn địa bàn; tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng 18% so với đầu năm và cho vay doanh nghiệp là 15.595 tỷ đồng, chiếm 31,1% tổng dư nợ với 2.476 lượt doanh nghiệp vay vốn; tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; tăng 11% so với đầu năm. Bên cạnh phục vụ sản xuất kinh doanh, có nhiều ý kiến cho rằng, tín dụng tăng trưởng mạnh là do dòng tiền đang đổ nhiều vào bất động sản khi mà thị trường này đang có dấu hiệu “ấm” lên, gây lo ngại khó kiểm soát và bảo đảm an toàn dòng tiền chảy vào khu vực này quá nhiều. Có một thực tế là, tín dụng vào bất động sản đã có những tác động tích cực nhất định khi giúp khơi thông dòng tiền. Tuy nhiên lo ngại này không phải là thừa, nếu nhìn vào những hậu quả mà nền kinh tế phải gánh chịu trong những năm trước đây, khi “bong bóng” bất động sản nổ ra khiến ngành ngân hàng phải gánh những khoản nợ xấu rất lớn.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Krông Bông.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Krông Bông.

Có một điểm đáng lưu ý là, tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào khối ngân hàng thương mại cổ phần với tốc độ tăng trưởng đến 29,7%, trong khi khối ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ tăng trưởng 3,7%. Theo đại diện một Ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn, phải thừa nhận là nguồn tiền đầu tư vào bất động sản đã được “nới” hơn trước, khiến tín dụng của các ngân hàng này khởi sắc hơn hẳn. Xác định được nguy cơ phát sinh những rủi ro, các ngân hàng thương mại cổ phần đã  rất thận trọng khi cho vay để ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu từ dòng tiền vào bất động sản. Đặc biệt, các ngân hàng đã giám sát chặt chẽ hơn nguồn vốn cho vay để ngăn chặn hiện tượng khách hàng sử dụng tiền vay với mục đích sản xuất kinh doanh để đổ vào bất động sản.

Theo Phó Giám đốc NHNN Tăng Hải Châu, đứng về khía cạnh nền kinh tế, việc tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ là tín hiệu khả quan khi nguồn vốn ra thị trường đang dồi dào. Tuy nhiên, đứng ở góc độ ngân hàng, đây là tốc độ tăng trưởng quá “nóng”, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, làm gia tăng nguy cơ phát sinh nợ xấu. Trước thực tế đó, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tăng cường công tác thẩm định đối với mỗi khoản vay, mở rộng tăng trưởng cần đi đôi với chất lượng tín dụng, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của chính phủ. Đặc biệt, trong thời gian tới NHNN sẽ tăng cường công tác giám sát để giảm thiểu thấp nhất khả năng phát sinh nợ xấu.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.