Multimedia Đọc Báo in

Tập trung tháo gỡ khó khăn để sản xuất vụ hè thu 2015

09:11, 14/07/2015

Vụ hè thu 2015, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 202.925 ha cây trồng các loại, trong đó lúa nước 53.000 ha, ngô 74.500 ha, các loại đậu 42.700 ha… Tuy nhiên tình hình thời tiết bất lợi ngay từ đầu vụ khiến ngành nông nghiệp đang gặp khó.

Chậm tiến độ

Tại huyện M’Đrắk, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, tính đến ngày 30-6, lượng mưa trên địa bàn huyện chỉ đạt 240mm, bằng 56% so với 6 tháng đầu năm 2014 (427mm) nên mực nước tại các công trình thủy lợi xuống ngưỡng thấp, không có nước để phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Cư Króa than thở, vụ hè thu 2015 toàn xã phấn đấu gieo trồng 150 ha lúa nhưng đến nay mới chỉ xuống giống được 18,6 ha, đạt 12,4 % kế hoạch. Vài ngày trở lại đây trên địa bàn đã có mưa nhưng lượng mưa thấp, trong khi thời gian nắng hạn kéo dài, trên địa bàn xã lại không có công trình thủy lợi nên bà con vẫn không gieo trồng được. Mưa ít không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất vụ hè thu mà nhiều gia đình phải khoan, đào thêm giếng mới có nước để sinh hoạt.

Nông dân xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar chăm sóc ngô.
Nông dân xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar chăm sóc ngô.

Theo thống kê của Phòng NN – PTNT huyện, tính đến thời điểm này toàn huyện mới chỉ gieo trồng được 1.115 ha lúa (54,4% kế hoạch), 3.527 ha ngô (84% kế hoạch); trên 1.500 ha có nguy cơ không thực hiện được, trong đó ngô chiếm 700 ha. Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết, các xã, thị trấn đang tiến hành rà soát, đánh giá tình hình gieo trồng vụ hè thu năm 2015, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn người dân chủ động phòng chống hạn theo phương châm 4 tại chỗ, bố trí cán bộ vận hành, tránh lãng phí nước. Khuyến khích bà con tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, nơi trũng thấp để sản xuất, thực hiện rộng rãi việc tích luỹ độ ẩm trên đồng ruộng bằng biện pháp tưới đệm. Kế hoạch gieo trồng trên địa bàn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 7 – 2015.

Tương tự, huyện Krông Năng đã cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo trồng hoa màu, tuy nhiên tiến độ gieo sạ cây lúa mới chỉ đạt 50% kế hoạch đưa ra. Ông Lê Rế, Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết, năm nay tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hiện tại đang trong mùa mưa nhưng lượng mưa quá thấp, các công trình thủy lợi gần như ở mực nước chết, không có khả năng tự chảy, nguồn nước sinh thủy tại các sông suối cạn kiệt làm một số cây trồng không thể xuống giống (lúa nước) hoặc xuống giống sau một thời gian lại bị khô hạn, không phát triển được.

Ông Trần Quang Tây, Phó Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN – PTNT cho biết, tính đến thời điểm này toàn tỉnh mới chỉ gieo trồng được 181.000 ha cây trồng các loại, đạt 90% kế hoạch, chậm 20% so với tiến độ sản xuất vụ hè thu năm 2014. Sở khuyến cáo bà con nông dân nên gieo trồng các giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh để thu hoạch kịp thời vụ, hạn chế thiệt hại do lụt bão thường xảy ra vào cuối vụ. Về lâu dài, bà con nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển những diện tích lúa bấp bênh nguồn nước sang trồng ngô, đậu…

Cần chủ động phòng chống dịch bệnh

Ngay từ đầu vụ hè thu 2015, giá vật tư nông nghiệp tương đối ổn định, các địa phương chủ động chuẩn bị đất, phân bón, giống…, tuy nhiên tình trạng mưa muộn, không đồng đều khiến nhiều diện tích không xuống giống được hoặc xuống giống nhưng lại gặp hạn khiến sức đề kháng của các cây trồng giảm sút. Theo báo cáo của Chi cục BVTV, một số loại sâu, bệnh đã xuất hiện trên các loại cây trồng như sâu cuốn lá nhỏ (mật độ 3 – 7con/m2), dòi đục nõn (tỷ lệ hại 3 – 5%), đạo ôn (tỷ lệ hại 3 – 7%), vàng lá sinh lý (tỷ lệ hại 4 – 8%) trên cây lúa; sâu ăn lá (tỷ lệ hại 3 – 5%), lở cổ rễ (tỷ lệ hại 2 – 5%) trên đậu xanh; đốm lá (tỷ lệ bệnh 5 – 12%), thối nhũn (tỷ lệ hại 2-5%) sâu đục quả (tỷ lệ hại 5 – 8%) trên rau quả; sâu đục thân (tỷ lệ hại 3-4%) trên cây mía... Mật độ, tỷ lệ hại của các loại sâu bệnh chưa đến mức báo động tuy nhiên thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho các sinh vật gây hại có nguy cơ phát triển thành dịch như bọ trĩ, sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn, khô vằn trên lúa; bệnh thối nhũn, sương mai, sâu đục quả, lở cổ rễ trên rau màu. Đặc biệt, bà con nông dân cần chú ý dịch ốc bươu vàng trên một số diện tích sạ muộn, ngập nước… Còn rệp sáp bột hồng, nhện đỏ trên cây sắn có chiều hướng giảm do mưa nhiều, cây sắn thích nghi với khí hậu nên phát triển mạnh, lấn át dịch bệnh.

Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết, thời tiết bất lợi từ đầu vụ nên các cây trồng kém phát triển, giảm sức đề kháng, do đó bà con nông dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc, bón phân đầy đủ, vệ sinh đồng ruộng, thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh... Tuy nhiên, các loại hoa màu có thời gian sinh trưởng ngắn, trên đồng ruộng vốn tồn tại các loại thiên địch cần được bảo vệ, do vậy bà con cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng thuốc BVTV.

 Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.