Multimedia Đọc Báo in

Trở thành tỷ phú nhờ nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh

09:41, 29/07/2015

Nhờ sự cần cù, nhạy bén trong cách nghĩ, cách làm, từ hai bàn tay trắng, gia đình ông Hồ Đăng Xuân (SN 1960) ở thôn 8, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin đã xây dựng nên một cơ ngơi khang trang, lợi nhuận mỗi năm thu về cả tỷ đồng.

Năm 1992, gia đình cựu chiến binh (CCB) Hồ Đăng Xuân từ Nghệ An vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới tại Nông trường Cà phê Chư Quynh (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin). Sau khi vào đến nơi, gia đình ông được nhận 1,72 ha cà phê của Nông trường. Có đất sản xuất trong tay thì cũng là lúc Nông trường chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế khoán mới, mọi chi phí đầu tư đều do người lao động đảm nhận nên khó khăn lớn nhất đối với gia đình ông lúc bấy giờ là làm sao duy trì được cuộc sống hằng ngày và có vốn để đầu tư chăm sóc vườn cà phê nhận khoán…

CCB Hồ Đăng Xuân bên cơ sở đúc trụ tiêu của gia đình.
CCB Hồ Đăng Xuân bên cơ sở đúc trụ tiêu của gia đình.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” nên thời gian đầu gia đình ông tập trung vào chăn nuôi heo, gà, trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, ngô… Thời gian rỗi, hai vợ chồng ông đi làm thuê cho các hộ khác tại địa phương. Một vài năm sau, từ chỗ nuôi vài con heo nái, gia đình ông đã mở rộng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn hơn, trong chuồng luôn có từ 200-250 con heo các loại, mỗi năm xuất bán hai lứa thu về 80 triệu đồng. Có được chút vốn liếng, ông quyết định phát triển thêm ngành dịch vụ. Nhận thấy nhu cầu khoan giếng lấy nước tưới cà phê có tiềm năng, ông đã mạnh dạn đầu tư mua 1 máy khoan công nghiệp, thuê kỹ sư từ TP. Hồ Chí Minh về để hướng dẫn kỹ thuật vận hành máy khoan. Thấy việc khoan giếng có hiệu quả, gia đình ông tiếp tục mua thêm 2 máy khoan, thuê thêm nhân công và mở rộng thị trường sang các tỉnh Gia Lai, Dak Nông… Lợi nhuận từ nghề khoan giếng và mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem về cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị phục vụ cuộc sống và sản xuất.

Năm 2005, thấy vườn cà phê ngày càng già cỗi, dịch bệnh, giá cả bấp bênh, ông đã mạnh dạn đề xuất với Công ty TNHH MTV Cà phê Chư Quynh cho gia đình mình được chuyển đổi sang trồng hồ tiêu. Được lãnh đạo Công ty đồng ý, ông chuyển đổi 1,72 ha cà phê sang trồng hồ tiêu. Hiện nay với 3.000 trụ tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 7 tấn. Nắm bắt nhu cầu trồng cây hồ tiêu phát triển, gia đình ông tiếp tục mở thêm cơ sở đúc trụ tiêu bằng bê tông. Mỗi năm cơ sở của ông cung cấp ra thị trường khoảng 7.000 trụ, đem về lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm. Bằng nghề khoan giếng, đúc trụ tiêu cộng với trồng hồ tiêu, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 12 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Xuân còn là một cựu chiến binh gương mẫu, một đảng viên luôn đi đầu trong các phong trào hoạt động của Công ty cũng như tại địa phương. 

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.