Từng bước hình thành nền nông nghiệp hàng hóa
Là một huyện có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, những năm qua, Ea H’leo đã phát huy thế mạnh này theo hướng tập trung chuyên canh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao trên cơ sở từng bước định hình một nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Trang trại chăn nuôi gà của anh Phạm Văn Chữ (ở buôn Briêng B, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo). |
Ea H’leo cũng là huyện có diện tích cà phê lớn thứ hai của tỉnh (sau Cư M’gar) với trên 31.047 ha, năng suất bình quân 26,3 tạ/ha, sản lượng hằng năm đạt trên 70.000 tấn; hằng năm ngành cà phê đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động, đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để phát triển cà phê bền vững, theo hướng chuyên canh hàng hóa, Huyện ủy đã ban hành Chương trình số 30-CTr/HU, ngày 5-2-2010 về việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới; theo đó, UBND huyện cũng ban hành Kế hoạch số 458/KH-UBND, ngày 5-2-2010 về việc phát triển cà phê bền vững của huyện giai đoạn 2010-2015, mục tiêu ổn định 20.000 ha, sản lượng 60.000 tấn, chủ yếu là cà phê vối, đạt một trong các tiêu chuẩn: TCVN 4193: 2005, GAP, 4C; thành lập mới 10-12 liên minh sản xuất... Đến nay, tổng số hộ dân tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận khoảng 1.245 hộ, diện tích 3.110 ha, sản lượng khoảng 13.000 tấn. Việc tiêu thụ cà phê có chứng nhận được thực hiện với sự cam kết của các Công ty sẽ mua giá cao hơn 350 đến 400 đồng/kg so với giá thị trường.
Ngoài cà phê, địa phương còn có 14.000 cao su, hơn 3.000ha hồ tiêu cho giá trị kinh tế cao. Những diện tích này địa phương không khuyến khích mở rộng mà chỉ tập trung đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng. Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, việc phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, hàng hóa nhằm nâng cao các giá trị sản phẩm đầu ra, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được Huyện ủy, UBND huyện xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Hằng năm, ngoài các chương trình hỗ trợ chung của Trung ương, địa phương còn phối hợp với các hội, đoàn thể và cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; khuyến khích người dân xây dựng các mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi tập trung quy mô lớn... Đến năm 2015, huyện có gần 200 trang trại được đầu tư bài bản, quy mô mang lại hiệu quả kinh tế cao; có 15 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đi vào hoạt động với 610 thành viên. Ngoài việc phát huy nội lực, địa phương còn kêu gọi thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như 2 dự án nuôi bò sữa, bò thịt, quy mô 12.000 con bò sữa và 3.500 con bò thịt đang được triển khai xây dựng, hứa hẹn khi đi vào hoạt động sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi của địa phương phát triển.
Huyện Ea H’leo cũng đang tăng cường chuyển dịch cơ cấu nội ngành từ trồng trọt sang chăn nuôi với nhiều trang trại chăn nuôi đã đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Phạm Văn Chữ (SN 1977) trú ở buôn Briêng B (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) là một trong những điển hình của việc chuyển đổi từ trồng trọt đơn thuần sang mô hình trang trại chăn nuôi.
Năm 2012, anh phá bỏ gần 2 sào cà phê già cỗi để xây dựng trang trại chăn nuôi gà, heo. Đến nay, mỗi năm anh đã xuất bán khoảng 50.000 con gà thịt và 100 con heo thịt. Trừ chi phí, anh cũng lãi ròng hơn 600 triệu đồng/năm. “So với trồng cà phê thì chăn nuôi sinh lãi cao hơn nhiều, ngoài ra còn tận dụng được phân bón để bón cho cây trồng. Tuy nhiên, nếu muốn chăn nuôi mang lại hiệu quả thì phải nuôi số lượng lớn, chứ nuôi ít thì lời lãi chẳng được bao nhiêu”- anh Chữ chia sẻ.
Về những vùng quê của huyện Ea H’leo bây giờ, không khó để tìm những biệt thự bề thế xen lẫn ở trong những vườn cà phê, tiêu, cao su bạt ngàn; bên những máy móc để sản xuất nông nghiệp là những chiếc ô tô tiền tỷ đời mới láng bóng..., đó là những tài sản mà họ mua sắm được nhờ những vụ mùa bội thu, những cây, con có giá trị lớn trên thị trường.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc