Xanh lên những sườn đồi
Những năm trở lại đây, khi cây keo dần khẳng định vị thế của mình trong công cuộc xóa đói làm giàu ở huyện nghèo M’Đrắk thì nghề trồng rừng trở thành nghề đưa lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Những triệu phú trên đèo Phượng Hoàng
Nằm ven Quốc lộ 26, xã Ea Trang có diện tích tự nhiên rộng 26.000 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 20.200 ha, chiếm 77,5% diện tích tự nhiên của xã. Trước đây, vùng đất này vốn là sỏi đá, cằn cỗi, chủ yếu là đồng cỏ chăn thả gia súc nhưng khí hậu khắc nghiệt nên hiệu quả chăn nuôi thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, xã đã thành lập Ban bảo vệ và phát triển rừng, tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng, bảo vệ cây trồng. Nhờ đó, những gia đình vốn đói ăn, thiếu mặc quanh năm nay trở thành triệu phú nhờ cây keo khiến bao người mơ ước. Ông Ama Đội, buôn M’guê xã Ea Trang tự hào, trước đây cuộc sống nghèo đói, phải phát rừng làm nương rẫy, nhưng chỉ được vài mùa đất đai lại bị xói mòn, bạc màu, bà con phải tìm vùng đất mới nên đất trống đồi trọc ngày càng nhiều. Khi được chính quyền địa phương phát động chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, gia đình ông đã triển khai trồng gần 20 ha rừng. Thu hoạch chu kỳ đầu tiên với số tiền hàng trăm triệu đồng, ông mua sắm các vật dụng trong gia đình, xe máy, máy cày, xây nhà… Khi con cái lập gia đình, ông lại chia rừng làm của hồi môn cho các con. Hiện tại, gia đình ông có hơn 14 ha rừng keo, lấy công làm lãi, mỗi chu kỳ (4 – 5 năm) gia đình thu về gần 1 tỷ đồng, tương đương 170 triệu đồng/năm. Tương tự, ông Ama Hương cũng trú buôn M’guê có 2 ha keo cho biết, so với trồng hoa màu thì trồng keo nhàn hơn nhiều, chỉ cần trồng, chăm sóc vài năm đầu khi rừng khép tán, sau 5 năm là có thể thu lãi 60 – 70 triệu đồng/ha. Còn bà Mạc Thị Phơ, thôn 1, xã Cư Króa có 5 ha rừng cho hay, trước đây cuộc sống của gia đình rất khó khăn do thời tiết mưa nắng thất thường, các loại cây trồng thường xuyên bị mất mùa, thu không đủ chi. Năm 2007, thấy nghề trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao nên gia đình trồng khoảng 3 ha, sau 6 năm trồng thu được hơn 200 triệu đồng. Năm 2013, bà mở rộng diện tích keo lên 5 ha với giống keo lai mô có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, dự kiến sẽ thu hoạch vào năm 2016 với tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng.
Nông dân xã Ea Trang chăm sóc rừng trồng. |
Ông Nguyễn Văn Song, Chủ tịch UBND xã Cư Króa cho biết, toàn xã hiện có 2.100 ha rừng, trong đó rừng trong dân chiếm 1.419 ha, diện tích trồng mới của người dân năm 2015 đạt 150 ha. Sở dĩ cây keo gắn bó và phát triển với người dân bởi chăm sóc đơn giản, chi phí đầu tư thấp chỉ 10 – 15 triệu đồng/ha/chu kỳ.
Theo thống kê của Phòng NN – PTNT, huyện M’Đrắk hiện có gần 14.000 ha rừng trồng, tăng 500 ha so với năm 2014, tập trung ở các xã Ea Trang, Cư Króa, Cư San, Ea M’đoal… Trong đó, diện tích rừng của người dân chiếm hơn 6.000 ha, còn lại là của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M’Đrắk, Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai, Công ty TNHH Tam Phát, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành M’Đrắk. Bên cạnh phát triển diện tích, những năm gần đây bà con đã mạnh dạn đưa giống keo lai mô (nhân giống bằng nuôi cấy mô) được mua từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước với giá cao hơn nhưng chất lượng giống tốt hơn, ít sâu bệnh, ít phân cành, không chẻ thân, chỉ cần 4 – 5 năm là có thể cho thu hoạch (keo tai tượng 7 năm), rút ngắn thời gian sinh trưởng nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Sau một chu kỳ 4 – 5 năm đạt khoảng 80 – 100 m3/ha, sản lượng gỗ rừng trồng toàn huyện khai thác năm 2014 ước đạt 100.000 m3. Với giá bán hiện nay vào khoảng 1 triệu đồng/m3, mỗi héc-ta keo giúp người trồng thu lãi bình quân 60 – 70 triệu đồng/ha.
Hồ tiêu, cây trồng mới ở M’Đrắk
Song song với cây rừng, những năm trở lại đây, người dân địa phương đã biết đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của địa phương. Vào lập nghiệp tại M’Đrắk năm 1990, trước đây cuộc sống của gia đình ông Hồ Hữu Hóa, thôn 4, xã Ea Lai chủ yếu dựa vào 2 ha cà phê. Nhưng cà phê già cỗi, năng suất thấp nên năm 2007 ông lặn lội xuống Bình Phước tìm mua giống tiêu Vĩnh Linh, Phú Quốc về trồng xen trong vườn cà phê. Nhận thấy cây hồ tiêu thích hợp với vùng đất của địa phương, ông cải tạo vườn tạp để trồng tiêu, đến nay gia đình đã có 2 ha tiêu, thu nhập bình quân mỗi năm đạt hơn 1 tỷ đồng. Tương tự, ông Phan Xuân Thành, thôn 3, xã Ea Lai cũng có hơn 1 ha tiêu, năng suất đạt bình quân 5 tấn/ha, trừ mọi chi phí gia đình thu về hơn 700 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết, cây hồ tiêu mới phát triển tại địa phương những năm gần đây, tuy là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng huyện khuyến cáo bà con chỉ nên trồng tiêu tại các xã Ea Lai, Ea Riêng, Krông Á, Ea M’đoal, Ea H’Mlay. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổng giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp của địa phương tăng dần theo từng năm, năm 2014 đạt 477,8 tỷ đồng, tăng 123,42 tỷ đồng so với năm 2010.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc