Xây dựng nông thôn mới: Khi chính quyền và người dân đồng thuận
Bằng việc phát huy sức mạnh từ sự đồng thuận của chính quyền và người dân, huyện Krông Pắc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự “thay da đổi thịt” của từng ngôi nhà, tuyến đường, trường học, đồng ruộng và cả đời sống của người dân. Một nông thôn mới đang dần hiện hữu ở nơi đây…
Khơi dậy nguồn lực sức dân
Cùng lãnh đạo, chính quyền địa phương đi trên con đường của thôn 1B (xã Hòa Tiến) dài hơn 240 m mới được bê tông hóa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội trước kia nay đã được mở rộng 7 m, trong đó phần bê tông rộng 3,5 m với độ dày 20 cm. Ông Ngô Thái Duy, người đã tự nguyện di dời tường rào và đóng góp 5,2 triệu đồng để làm đường hồ hởi nói: “Làm đường giao thông thì đối tượng hưởng lợi đầu tiên chính là người dân. Hiểu được chủ trương này, chúng tôi đều đồng lòng đóng góp tiền, ngày công, tự nguyện di dời tường rào mở rộng con đường thêm thẳng, đẹp”. Để tạo sự đồng thuận cao, Ban tự quản thôn 1B đã tổ chức họp dân, thống nhất mức đóng góp, thiết kế, thi công công trình. Theo đó, cứ 1 m ngang đất mặt đường, mỗi hộ đóng góp 200.000 đồng và tự nguyện di dời tường rào mở rộng đường. Ngoài Ban quản lý chung, khi công trình thi công đến đâu, những hộ dân gần khu vực đó sẽ trực tiếp đứng ra giám sát, bảo dưỡng. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, 360 hộ trong thôn đã đóng góp 634 triệu đồng, cùng với nguồn vốn của Nhà nước và sự hỗ trợ của UBND huyện để hoàn thành 4 tuyến đường với tổng chiều dài gần 2 km.
Anh Y Thơm Niê (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê. |
Ông Trần Ngọc Phúc, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hòa Tiến cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và cần một nguồn lực lớn. Do vậy, ngoài nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện thì sự vào cuộc, đóng góp của người dân là yếu tố quan trọng. Ý thức được điều này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình và tích cực hưởng ứng. Mỗi thôn, buôn đều ban hành nghị quyết xây dựng đường giao thông nông thôn, thành viên các ban vận động, giám sát, kiểm tra công trình là người địa phương nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân. Đồng thời, Đảng ủy, UBND xã cũng chú trọng học tập, trao đổi kinh nghiệm, cách làm của các địa phương khác, nhờ vậy việc triển khai đạt kết quả cao”.
Điều đáng nói, với cách làm tương tự như trên, sau 4 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (2011-2014), huyện Krông Pắc đã cứng hóa được 139,5 km đường trục thôn, xóm; nâng cấp 74,3 km đường ngõ xóm; cứng hóa 33,7 km đường trục chính nội đồng, xây dựng 19 cầu, cống dân sinh; kiên cố hóa 11,3 km kênh mương; sửa chữa 10 hồ đập… Bên cạnh đó, chính quyền và người dân trong huyện cũng chú trọng xây lắp, tu sửa hệ thống điện, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chợ, cổng chào, nhà ở dân cư, cải tạo môi trường… để góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chủ động phát triển sản xuất
Bên cạnh việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn của huyện và các ngành chức năng, người dân đã chủ động trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trước đây, gia đình anh Y Thơm Niê ở buôn Jung 2 (xã Ea Yông) chỉ đơn thuần phát triển cây cà phê nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Sau khi có chủ trương trồng xen nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, gia đình anh đã mạnh dạn trồng 210 cây sầu riêng hạt lép vào 1,5 ha cà phê. Đến nay đạt sản lượng sầu riêng khoảng 39 tấn/năm, đem lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm. Cũng nhờ nguồn thu khá ổn định này, anh đã mua thêm 5 sào đất trồng cà phê và xen thêm 60 cây sầu riêng; mua máy gặt đập liên hoàn đi gặt thuê cho các hộ dân trên địa bàn, thu về 150 triệu đồng/năm. Anh Y Ngắc Niê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay: “Qua thực tế cho thấy, mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê đã thực sự phát huy hiệu quả. Đến nay, 40% số hộ trên địa bàn xã đã phát triển mô hình này nên đời sống của người dân được cải thiện hơn trước, số hộ nghèo chỉ còn 112 hộ. Hiện có nhiều hộ đã đưa thêm cây bơ boot vào trồng xen trong vườn cà phê, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Ông Trần Quốc Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, mà điều quan trọng là cải thiện và nâng cao đời sống của người dân. Chính vì vậy, để triển khai hiệu quả, toàn diện chương trình này, ngay từ đầu, Huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát, từ việc thành lập, kiện toàn bộ máy các cấp đến tổ chức phát động chương trình, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân. Để xây dựng cơ sở hạ tầng, hằng năm, huyện đều bố trí nguồn kinh phí ngân sách từ 5-6 tỷ đồng hỗ trợ xi măng cho các địa phương, cùng với sự đóng góp của người dân để làm đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giao ngành Nông nghiệp và các ngành hữu quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giới thiệu, xây dựng mô hình trình diễn để nông dân áp dụng. Đồng thời, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Với lợi thế của huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh (gần 18.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 40.000 tấn/năm), ngành Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và các hội, đoàn thể đã chú trọng hướng dẫn nông dân cải tạo, tái canh các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê, phát triển cà phê bền vững. Nhờ vậy, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: cà phê, lúa, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm… góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân”.
Đến nay, huyện Krông Pắc có 2 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 1 xã đạt 14 tiêu chí, 2 xã đạt 13 tiêu chí, 1 xã đạt 11 tiêu chí, còn lại đạt từ 4-8 tiêu chí. Huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có thêm 5 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài sự đồng thuận của chính quyền và người dân, rất cần sự quan tâm, đầu tư nguồn lực của tỉnh và các ngành hữu quan.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc