Multimedia Đọc Báo in

Xếp hạng kết quả cải cách hành chính - Cần có "chế tài"

09:13, 07/07/2015

Vừa qua, UBND tỉnh đã công bố chỉ số và xếp hạng kết quả cải cách hành chính (CCHC) năm 2014 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đây có thể xem là một bước tiến quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ CCHC.

Nhiều người ví bảng xếp hạng kết quả CCHC không khác là mấy so với chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Xét ở một góc độ nào đó, trong khi PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp (DN) dân doanh thì việc CCHC chính là giải pháp cụ thể để hiện thực hóa và nâng cấp PCI, là kênh quan trọng để tiếp thu những ý kiến phản hồi của DN, của các thành phần kinh tế về chất lượng điều hành của chính quyền các địa phương, các sở ngành. Được biết, việc đánh giá, chấm điểm và thẩm định về xếp hạng kết quả CCHC trên địa bàn tỉnh được xem xét trên 7 lĩnh vực: chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính. Rõ ràng cải thiện những lĩnh vực đó chính là cải cách môi trường kinh doanh, môi trường thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, nhất là trong việc xử lý thủ tục hành chính thông thoáng. Năm 2014, toàn tỉnh có 11/25 sở, ban, ngành cải thiện, nâng hạng kết quả CCHC, nhưng cũng có đến 11/25 sở, ban, ngành tụt bậc so với năm 2013. Nhiều người cho rằng, thứ hạng CCHC cần phải được xem xét như là công cụ đo năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu. Những nơi được xếp hạng mà thứ bậc không cải thiện hoặc tụt hậu thì sẽ phải chỉ rõ trách nhiệm của lãnh đạo người đứng đầu của nơi đó. Có gắn trách nhiệm của người đứng đầu với CCHC thì mới mong tạo ra được một bộ máy chính quyền “thân thiện, chuyên nghiệp” phục vụ người dân và DN. Xa hơn, bảng xếp hạng CCHC phải được nhìn nhận trên quan điểm là động lực mới để chính quyền các địa phương, các sở ngành đổi mới, năng động, sáng tạo trong công tác hỗ trợ DN và người dân phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần vào thành công chung của tỉnh.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.