Multimedia Đọc Báo in

Hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

09:54, 26/08/2015

Trong những năm qua, Thành ủy Buôn Ma Thuột đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, từng bước thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường - đây là nền tảng, khởi đầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Thấy được hiệu quả từ biện pháp tưới tiết kiệm trên hoa sau khi tham gia mô hình do Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Sở NN-PTNT chuyển giao, chị Nguyễn Thị Vân (khối 6, phường Ea Tam) đã quyết định đầu tư thiết bị hệ thống tưới phun mưa cho toàn bộ 5 sào đất vườn trồng hoa cúc, hoa hồng của mình. Ưu điểm của kỹ thuật tưới tiên tiến này đã góp phần đáng kể làm tăng năng suất, chất lượng hoa, hạn chế sâu bệnh, bảo vệ môi trường và làm tăng lợi nhuận cho gia đình chị Vân với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình trồng hoa áp dụng hệ thống tưới phun mưa này đã được TP. Buôn Ma Thuột nhân rộng trên địa bàn, được nhiều hộ trồng hoa học tập và triển khai hiệu quả. Liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP, ông Đoàn Đắc Đức (trú tại thôn 3, xã Ea Kao) đã xây dựng trang trại chăn nuôi heo khép kín, có hệ thống quạt gió làm mát tùy chỉnh, các quy trình chăm sóc từ ống dẫn nước uống, nước tắm đến máng thức ăn đều tự động. Việc chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín, tự động này đã giúp đàn heo sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giảm nhân công lao động. Mô hình đã được nhiều nông dân ở các xã Ea Kao, Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) áp dụng hiệu quả trong chăn nuôi heo, gà...

Trên đây chỉ là hai trong số những mô hình nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã được triển khai tại TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian qua. Còn nhiều mô hình, hình thức ứng dụng công nghệ cao đa dạng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đối với lĩnh vực trồng trọt, công nghệ cao được ứng dụng khá phổ biến trong sản xuất và cải tạo giống các loại cây trồng như: ghép cải tạo giống cà phê và một số cây ăn quả; áp dụng các giống lúa lai, ứng dụng chương trình ICM trên lúa; chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học giúp tận dụng vỏ cà phê và phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ (hiện nay có khoảng 7.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích cà phê của thành phố áp dụng công nghệ này); mô hình nuôi cấy mô trong nhân giống hoa lan; mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân cho cà phê sử dụng công nghệ Israel... Trong chăn nuôi, bên cạnh việc nuôi heo, gà với hệ thống chuồng kín, có điều hòa nhiệt độ, hệ thống ăn uống tự động, nhiều trang trại còn ứng dụng chế phẩm sinh học làm tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường...

Người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác lúa trên cánh đồng mẫu.
Người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác lúa trên cánh đồng mẫu.

Tuy nhiên, kết quả nói trên mới chỉ là bước khởi đầu, công nghệ cao mới chỉ được ứng dụng vào từng khâu trong quá trình sản xuất mà vẫn chưa có mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đầy đủ, toàn diện trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này chưa được triển khai thực hiện đầy đủ, chưa thu hút các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho sản xuất trong khi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, sản phẩm chưa có đầu ra ổn định; mối quan hệ giữa 4 nhà: nhà quản lý - nhà khoa học - nhà nông - doanh nghiệp chưa chặt chẽ...

Với hơn 26.400 ha đất nông nghiệp, dân số khu vực nông thôn khoảng 120.000 người (chiếm 35,2% dân số), TP. Buôn Ma Thuột xác định sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Phòng Kinh tế UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Đảng bộ thành phố đã xác định cần phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là một trong những định hướng được quan tâm triển khai thực hiện. Mục tiêu đến năm 2020, thành phố từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 25 - 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố”.

Để thực hiện mục tiêu đó, TP. Buôn Ma Thuột đã đặt ra những giải pháp trọng tâm như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chuyên ngành đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ cao; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và người dân; thực hiện khuyến nông theo chiều sâu, đổi mới và nâng cao hiệu quả các mô hình trình diễn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, thành phố sẽ huy động tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc