Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép ở huyện Ea H'leo

09:44, 18/08/2015

Từ năm 2012, trước tình trạng đất rừng bị xâm hại, lấn chiếm trái phép xảy ra khá phức tạp, UBND huyện Ea H’leo đã chỉ đạo rà soát, thống kê, xử lý cưỡng chế thu hồi để phục hồi lại rừng… 

Trên địa bàn huyện Ea H’leo có 22 đơn vị được giao, cho thuê đất trồng rừng, cao su và quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, 4 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp: Chư Phả, Ea H’leo, Thuần Mẫn, Ea Wy và Nông trường Hồ Lâm; 3 đơn vị thuê đất trồng rừng nguyên liệu: Lộc Phát, Đức Hải, Tân Hưng Long; 11 đơn vị thuê đất trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng: Hoàng Anh Đắk Lắk, Cao su Ban Mê, Thuận Thiên, Hải Hà, Rừng Xanh, Đắc Nguyên Ea H’leo, Đắc Nguyên, Tân Tiến, Kim Huỳnh, Tân Phú Hưng, Hoàng Nguyễn; 2 đơn vị liên kết với cộng đồng buôn để trồng rừng, cao su và quản lý bảo vệ rừng: Tân Nam Bảo, Hoàng Việt...

Địa bàn rộng, lại là vùng giáp ranh với nhiều xã, huyện của cả hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, cho nên công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) nơi đây gặp khá nhiều khó khăn. Chưa kể, Ea H’leo còn có các tuyến giao thông thuận lợi như Quốc lộ 14, tỉnh lộ 15 đi Ayun Pa, đường đi Ea Súp và các tuyến đường khác đi tắt vào rừng nên người dân di cư ngoài kế hoạch đổ về ngày càng đông, an ninh rừng vì vậy ngày một khó kiểm soát. Mặt khác, các đơn vị được giao đất, giao rừng để trồng cao su chỉ chú trọng vào việc sản xuất là chính, còn công tác QLBVR trên các khu rừng đã được giao, cho thuê gần như buông lỏng và phó thác cho chính quyền và cơ quan chức năng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chặt phá rừng và lấn chiếm đất rừng để canh tác đang diễn ra hết sức phức tạp tại địa phương trong nhiều năm nay. Trước tình hình đó, từ năm 2012, UBND huyện Ea H’leo đã chỉ đạo rà soát, thống kê, xử lý cưỡng chế thu hồi rừng bị chặt phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để phục hồi lại rừng theo tinh thần Chỉ thị 1685/CT-TTg, ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-UBND, ngày 16-3-2012 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn, tuy nhiên, kết quả thực hiện còn rất hạn chế. Tiếp tục triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 1960/UBND-NNMT, ngày 27- 3-2015 về thực hiện xử lý vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật, UBND huyện Ea H’leo đã  xây dựng phương án tổng thể xử lý, giải tỏa, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm sử dụng trái pháp luật. Theo đó, đến nay đã có 6 đơn vị có phương án giải quyết trình UBND huyện gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’leo, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy, các Công ty Kim Huỳnh, Đắc Nguyên, Đắc Nguyên Ea H’leo và Tân Tiến. Qua rà soát, tổng hợp của 6 đơn vị này, diện tích rừng bị lấn chiếm là 589,23 ha với 224 hộ dân lấn chiếm phải giải toả di dời. Trên diện tích rừng lấn chiếm trái phép, các hộ dân này đã dựng 182 nhà tạm bằng gỗ lợp tranh hoặc ngói, một số lợp tôn, canh tác hoa màu ngắn ngày, một số trồng tiêu, cà phê, cao su. Ngoài các đối tượng được xác định là dân tộc tại chỗ, dân di cư ngoài kế hoạch, đến nay còn có một số đối tượng vẫn chưa xác định được tên tuổi, địa chỉ vì là người địa phương khác đến xâm canh, không ở lại thường xuyên trên vùng đã lấn chiếm.

Rừng thuộc dự án của Công ty Hoàng Nguyễn bị chặt phá, khai thác trái phép.
Rừng thuộc dự án của Công ty Hoàng Nguyễn bị chặt phá, khai thác trái phép.

Để xử lý có hiệu quả các trường hợp trên, huyện Ea H’leo đã trình UBND tỉnh các phương án: tuyên truyền bằng nhiều hình thức để thông báo cho người dân biết rõ việc phá rừng, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp là vi phạm pháp luật; xác định rõ đối tượng và từng hành vi vi phạm cụ thể, thiệt hại gây ra, thời gian, địa điểm, thiết lập lại hồ sơ vi phạm để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật; những trường hợp vi phạm không xác định đối tượng cũng phải lập biên bản, thông báo tìm đối tượng, quá thời hạn thông báo mà không tìm được đối tượng, thì tham mưu tỉnh ban hành quyết định thu hồi. Chủ rừng phối hợp với UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức họp dân, ký cam kết nêu rõ thời hạn trả lại đất cho chủ rừng, ưu tiên cho những hộ chấp hành cam kết được thu hoạch các sản phẩm cây trồng ngắn ngày mùa vụ cuối cùng trên diện tích giải tỏa; đồng thời thông báo cho nhân dân biết những trường hợp không tự nguyện giải tỏa sẽ bị cưỡng chế theo quy định. Đối với những đối tượng chây ỳ, thì kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa thu hồi đất theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 của Chính phủ.  Các Công ty TNHH MTV  Lâm nghiệp Ea H’leo, Ea Wy xây dựng phương án trồng rừng trên diện tích thu hồi, báo cáo Sở NN-PTNT phê duyệt phương án các giải pháp về giống, kỹ thuật và kinh phí trồng lại rừng cho chủ rừng. Tổ chức thực hiện phương án trồng lại rừng ngay trong mùa vụ trồng rừng sớm nhất. Đối với rừng, đất lâm nghiệp đã cưỡng chế, thu hồi, Công ty TNHH MTV  Lâm nghiệp Ea H’leo, Ea Wy phải tổ chức lực lượng tuần tra phòng ngừa tái lấn chiếm. Trong trường hợp đất lâm nghiệp bị tái lấn chiếm phải kịp thời phát hiện, phối hợp với cơ quan chức năng lập hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hiện hành.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.