Multimedia Đọc Báo in

Nợ xấu – mối nguy từ con số "đẹp"

11:09, 01/08/2015

"Nợ xấu" là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây bởi nó vẫn luôn còn đó ám ảnh nền kinh tế và quá trình xử lý nợ xấu là hết sức khó khăn.

Những con số “đẹp”

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN) cho biết, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, tính đến 31-5-2015, tổng dư nợ của các ngân hàng này là gần 45.767 tỷ đồng. Trong đó, nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) là trên 43.127 tỷ đồng; nợ cần chú ý (nhóm 2) là 1.518 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) trên 407 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) trên 250 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) gần 585 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu (nhóm 3,4,5) của các ngân hàng thương mại trên địa bàn là trên 1.242 tỷ đồng, chiếm 2,71% so với tổng dư nợ. Ngoài ra, còn gần 1.733 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý rủi ro đang theo dõi ngoại bảng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xử lý nợ xấu, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Ngoài ra, NHNN đã chủ động đề xuất hội sở chính bán các khoản nợ xấu tại chi nhánh cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Trong trường hợp các TCTD không thực hiện, NHNN kiên quyết xử lý bằng biện pháp hành chính; đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng, mở rộng mạng lưới đối với TCTD (hội sở chính). Với cách làm quyết liệt đó, trong 5 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 351 tỷ đồng thông qua các hình thức: khách hàng trả (123,5 tỷ đồng), sử dụng quỹ dự phòng (76,4 tỷ đồng), thỏa thuận với khách hàng xử lý tài sản (51 tỷ đồng), xử lý tài sản bảo đảm qua thi hành án (1,1 tỷ đồng), bán nợ (77 tỷ đồng), các biện pháp khác 21 tỷ đồng. Đây có thể xem là kết quả khá khả quan khi nợ xấu cuối tháng 6 được báo cáo là đã được đưa về dưới ngưỡng an toàn (3%).

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk.

Cần bảo đảm thực tế

Nợ xấu là nguyên nhân làm tắc nghẽn dòng chảy tín dụng, kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD đã áp dụng nhiều giải pháp kéo giảm nợ xấu nhưng vấn đề ở chỗ tỷ lệ này liệu có thực chất(?) Điều đáng quan ngại là những báo cáo của các TCTD không bảo đảm sát với thực tế, như Phó Giám đốc NHNN Tăng Hải Châu đã khẳng định tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Quyết định 3210/QĐ-UBND, ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh, về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh (Quyết định 3210) và sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm. Theo ông Châu, nếu nhìn vào con số 2,7% thì rất “đẹp”, nhưng tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đúng với thực tế, thanh tra ở bất kỳ TCTD nào, NHNN cũng phát hiện tình trạng chuyển nhóm nợ không đúng quy định. Ông Châu cảnh báo, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn đối với hệ thống ngân hàng. 

Có thể nói, nếu không dám nhìn vào con số thực tế sẽ đẩy ngành Ngân hàng bước vào nguy cơ rất lớn. Mới đây nhất, tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã quyết liệt yêu cầu các ngân hàng phải khẩn trương đưa tỷ lệ nợ xấu về 3% chậm nhất vào cuối tháng 9-2015 (sớm hơn 3 tháng so với mục tiêu ban đầu là đến cuối năm 2015). Do đó, một vấn đề lớn đặt ra cho các ngân hàng là ngoài việc nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận, để xử được nợ xấu, nhất quyết không để nợ xấu mới phát sinh thì mới có thể hoàn thành yêu cầu mà NHNN đặt ra.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc