Nóng ruột với tái canh cà phê!
Tái canh cà phê đang là vấn đề hết sức cấp bách hiện nay. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc triển khai vẫn gần như “giẫm chân tại chỗ”…
Xét về chính sách, tại Tây Nguyên, có lẽ ít chương trình nông nghiệp nào được Chính phủ quan tâm và có những hỗ trợ như chương trình tái canh cà phê. Đầu tiên, theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các tổ chức tín dụng đã dành 12 nghìn tỷ đồng để phục vụ cho vay tái canh cây cà phê. Các điều kiện tín dụng cũng có nhiều ưu đãi như lãi suất thấp hơn thị trường, thời hạn cho vay phù hợp với một chu kỳ tái canh cà phê khoảng từ 3-5 năm, thậm chí lên tới 5-7 năm. Chương trình này được khởi động từ tháng 5-2013, nhưng chuyển biến rất chậm. Để đẩy nhanh tiến độ, cuối tháng 5-2015, NHNN đã có văn bản hướng dẫn Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2014-2020 với rất nhiều ưu đãi như được vay tối đa là 150 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh, thời hạn cho vay tối đa là 8 năm, thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm tính từ thời điểm khách hàng và Agribank ký hợp đồng vay vốn; và 80 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê, thời hạn cho vay tối đa là 4 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 2 năm tính từ thời điểm khách hàng và Agribank ký hợp đồng vay vốn. Và để thực hiện hiệu quả việc tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu Sở NN-PTNT trước ngày 30-6-2015 phải xác định danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện vay để làm cơ sở cho Agribank Chi nhánh Đắk Lắk và Agribank Chi nhánh Buôn Hồ lập thủ tục cho vay.
Một vườn cây cà phê cần tái canh tại huyện Ea Kar. |
Chính sách đã rõ, nguồn vốn cho vay tái canh cà phê cũng đã sẵn sàng, nhưng tiến độ giải ngân còn rất chậm mà nguyên nhân chủ yếu là do dự án tái canh không bảo đảm yêu cầu tín dụng. Đến nay, Agribank tỉnh mới giải ngân được gần 100 tỷ đồng, trong tổng mức 3 nghìn tỷ đồng của gói hỗ trợ tái canh cây cà phê đã cam kết. Theo đại diện Agribank Đắk Lắk, giải ngân gói tín dụng cho vay tái canh cà phê là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Do vậy, Agribank Đắk Lắk rất muốn các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn của NHNN sớm hoàn thiện, đặc biệt là việc các địa phương phải xác định cho được địa chỉ những hộ dân, doanh nghiệp đủ điều kiện vay. Thế nhưng, đến nay địa phương vẫn chưa thể lập được danh sách này. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, nguyên nhân chậm xác định đối tượng vay tái canh cà phê là do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa Sở NN-PTNT và các địa phương liên quan.
Trải qua các chu kỳ khai thác, đã có đủ cơ sở nhận biết vườn cây nào cần chuyển đổi, vườn cây nào nên tái canh. Thế nhưng, quy hoạch trên giấy có thành quy hoạch cụ thể ngoài vườn, thành dự án tái canh để ngân hàng lấy làm căn cứ cho vay hay không lại là chuyện khác. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Về phía người trồng cà phê phải nhận thức rõ tái canh cà phê là dự án trung, dài hạn, nên giải ngân phải theo tiến độ, không thể có chuyện nhận ngay “một cục”. Hơn nữa, việc nhiều hộ không tiến hành nhổ bỏ toàn bộ vườn cà phê để trồng tái canh mà chỉ thay thế những cây già cỗi bằng cây mới, tức là tái canh theo kiểu “da beo” cũng khiến ngân hàng khó xác định được diện tích tái canh để cho vay.
Để nhanh chóng ổn định về sản lượng, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm cà phê theo yêu cầu hội nhập quốc tế, thì tái canh đang là vấn đề bức thiết. Thế nhưng với một tiến độ “rùa bò” như hiện nay, những mục tiêu đề ra của chương trình này khó có thể hoàn thành.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc