Multimedia Đọc Báo in

Nông sản vùng Tây Nguyên: Vẫn còn yếu về khâu chế biến

09:04, 28/08/2015

Tây Nguyên là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su…, nhưng giá trị gia tăng vẫn còn thấp do khâu chế biến còn yếu.

Mới mạnh về sơ chế

Công nhân đang thực hiện quy trình chế biến mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk.  Ảnh: M.T
Công nhân đang thực hiện quy trình chế biến mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk.

Qua 30 năm đổi mới, nông nghiệp vùng Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu khá ấn tượng, sản lượng tăng trưởng nhanh, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyên canh, không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản trong nước mà còn tạo ra nhiều loại hàng hóa nông sản xuất khẩu với giá trị lớn đứng đầu cả nước và thế giới như hồ tiêu, cà phê, điều, cao su tự nhiên, hoa quả…, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nông sản của Tây Nguyên là chủ lực xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng ở khâu giá trị thấp, chỉ ở sản xuất và sơ chế, có giá trị gia tăng thấp nhất. Trên thực tế, hàng hóa xuất khẩu của các tỉnh trong vùng chủ yếu là nông sản nguyên liệu hoặc bán thành phẩm ở mức độ chế biến thấp (đa phần là sơ chế). Đơn cử như cà phê, có 239 doanh nghiệp (DN) chế biến, gồm cà phê nhân, bột, hòa tan. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu là cà phê nhân phục vụ xuất khẩu, có giá trị gia tăng không cao, chất lượng không đồng đều. Trong khi cà phê bột, cà phê hòa tan là những sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao nhưng chiếm tỷ lệ thấp (4,1% và 6%). Riêng Đắk Lắk có hơn 100 DN, cơ sở sơ chế, chế biến, trong đó có 22 DN, cơ sở sơ chế, chế biến cà phê nhân quy mô vừa và lớn, với công suất thiết kế trên 475 nghìn tấn/năm; có 46 cơ sở chế biến cà phê bột, hòa tan, với công suất thiết kế trên 32 nghìn tấn/năm. Số DN có khả năng chế biến cà phê chất lượng cao xuất khẩu còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu khách hàng trên thị trường thế giới, đó là một trong những yếu tố làm giá cà phê xuất khẩu thấp, gây thiệt hại cho người sản xuất. Cao su cũng vậy, hầu hết sản phẩm được xuất bán dưới dạng nguyên liệu sơ chế (mủ cao su). Vùng Tây Nguyên có chưa đến 100 cơ sở sơ chế, vài chục DN nhỏ sản xuất sản phẩm từ cao su nhưng sản lượng ít, chất lượng không ổn định, chủng loại nghèo nàn. Hay hồ tiêu, chiếm đến 47% diện tích và 52,8% sản lượng cả nước, nhưng cũng chỉ có 3 DN (tập trung ở Gia Lai) trên tổng số 17 DN cả nước, với công suất thiết kế 18.500 tấn sản phẩm/năm (tỷ lệ sử dụng công suất mới đạt 53,4%). Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu là 85% tiêu đen và 15% là tiêu trắng. Chế biến hồ tiêu chủ yếu là làm khô và sơ chế thành tiêu đen phục vụ xuất khẩu. Sản lượng tiêu chế biến (tiêu trắng, tiêu bột) chiếm tỷ lệ nhỏ và đang có xu hướng giảm… Thực trạng này đã phản ảnh khá rõ những hạn chế về năng lực chế biến của vùng, mặt khác, các nhà máy hoạt động gia công, chế biến chủ yếu lại nằm ngoài khu vực nên các tỉnh Tây Nguyên ít được hưởng lợi từ giá trị gia tăng trong khâu bảo quản, chế biến. Nguyên nhân là do các cụm, khu công nghiệp chưa thu hút được DN; dịch vụ hậu cần (kho bãi, tài chính, thanh toán…) phục vụ hoạt động của DN ở Tây Nguyên kém hơn các vùng khác nên khó thu hút các DN đầu tư vào chế biến ở Tây Nguyên.

Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong khâu chế biến

Sản phẩm cà phê bột của một doanh nghiệp ở Đắk Lắk được trưng bày và giới thiệu tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê - Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V-2015.
Sản phẩm cà phê bột của một doanh nghiệp ở Đắk Lắk được trưng bày và giới thiệu tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê - Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V-2015.

Thực tế cho thấy, chế biến là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên. Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng song công nghiệp chế biến của vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Theo nhiều DN, do hạn chế ở nhiều khâu nên Tây Nguyên đang bán cái mình có chứ không phải bán cái người ta cần, dẫn đến lợi ích bị giảm đi rất nhiều. Nếu DN tham gia hợp tác trong các khâu, nhất là chế biến thì sẽ nâng tầm rất nhanh sản phẩm hàng hóa của Tây Nguyên. Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền (Đắk Lắk) cho biết, chế biến sau thu hoạch đối với các loại nông sản ở đây còn yếu và thiếu, nhất là việc áp dụng các máy móc, công nghệ khiến giá trị các mặt hàng nông sản chưa đạt được mức cao nhất đáng có của nó, đơn cử như hồ tiêu, giá tiêu sọ (tiêu trắng) thường cao hơn tiêu đen từ 40-50%. Đặc biệt trong tháng 6-2015, giá xuất tiêu sọ lên đến 400 nghìn đồng/kg, trong khi giá tiêu đen nằm trong khoảng 240 nghìn đồng/kg, điều đó cho thấy chỉ khác nhau hai phương pháp chế biến nhưng đã nâng tầm giá trị sản phẩm lên rất lớn. Có thể giải quyết vấn đề chế biến bằng giải pháp công nghệ và cần sự hỗ trợ mạnh hơn từ chính sách của Nhà nước để khuyến khích, đẩy mạnh tiềm năng công nghệ sẵn có trong các DN, góp phần tháo gỡ những nút thắt trong khâu chế biến. Còn theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), hiện nay thị trường tiêu thụ của nông sản đang ngày càng mở rộng, khối hàng hóa tiêu thụ cũng như giá trị sản phẩm này càng tăng cao. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, các thị trường nông sản cũng trở nên khó tính hơn, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thị trường xuất khẩu, ngày càng nhiều thách thức khi phải vượt qua các rào cản về kỹ thuật, thương mại… Chính vì vậy, việc sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các bên liên quan, nhất là vai trò đầu tàu của DN trong việc giữ vững uy tín thương hiệu, ổn định và mở rộng thị trường. Theo đó, đối với những mặt hàng nông sản chủ lực, thời gian tới Tây Nguyên cần xây dựng thêm các cơ sở chế biến mới, đặc biệt chú ý đến vấn đề đổi mới công nghệ và thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng cà phê cần chú trọng thay đổi cơ cấu mặt hàng theo hướng chế biến sâu, chất lượng tốt, đồng thời tăng cường liên kết giữa người trồng và DN chế biến nhằm tạo sự phát triển bền vững. Với hồ tiêu cần đầu tư chế biến để tăng chủng loại, nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhìn tổng thể, nông nghiệp vùng Tây Nguyên đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, vấn đề là cần huy động các nguồn lực, đưa ra cơ chế nhằm  thu hút các nguồn lực vào đây, cùng với sự tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản của cả nước và toàn cầu để khâu chế biến không còn là điểm yếu của hàng hóa nông sản Tây Nguyên.

 Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.