Multimedia Đọc Báo in

Bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế

09:08, 14/09/2015
Trong thời chiến, sự tôi luyện đã giúp các chiến sĩ vượt qua gian khó, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Khi hòa bình lập lại, những người lính năm xưa lại bước vào “cuộc chiến” mới trên mặt trận kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho quê hương.

Từ Nông trường nợ nần đến... HTX tỷ phú

Các xã Ea Pal, Ea Ô (huyện Ea Kar) trước đây vốn là vùng đất nghèo khó, dân làm lúa nhưng lại thiếu gạo thời điểm giáp hạt, bây giờ cuộc sống của bà con ở đây đang dần đổi khác, nhà cửa khang trang, đường bê tông len lỏi tới từng nhà, ra tận chân ruộng. Ông Vũ Xuân Thu, Chủ tịch HTX nông nghiệp 714 nhớ lại, hai xã trên vốn thuộc Nông trường 714, những năm về trước, do làm ăn không hiệu quả nên nhiều người đã từ bỏ cây lúa để đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Bản thân là cán bộ của Ban điều hành nông trường (khi đó nông trường chuẩn bị giải thể do làm ăn thua lỗ), lúc bấy giờ ông Thu tự nhận thấy mình có trách nhiệm với bà con công nhân nên bàn với các thành viên trong Ban điều hành chấp nhận gánh số nợ gần 6,7 tỷ đồng của nông trường trước đó để chuyển đổi hình thức hoạt động sang HTX. Nhưng tài sản ban đầu lại quá ít (4 trạm bơm và 7 tổ máy cũ) trong khi nợ thì quá lớn…, để có vốn sản xuất, những người lính Cụ Hồ trong Ban chủ nhiệm HTX thời ấy đã mang sổ đỏ của gia đình đem thế chấp ngân hàng vay vốn. Từng bước một, HTX mời các nhà khoa học chuyên ngành cây lúa về mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các xã viên; tìm mua các giống lúa mới thay thế lúa thuần của địa phương; mua sắm máy móc, bê tông hóa kênh mương thủy lợi trên đồng ruộng...

Cùng với đó, công tác tổ chức sản xuất của HTX cũng từng bước triển khai theo hướng hiện đại hóa, với 4 tổ sản xuất phụ trách 4 máy làm đất, 4 máy gặt và trực tiếp vận hành phục vụ sản xuất cho các hộ nhận khoán, trong đó, khâu làm đất được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu từ xa đến gần, từ chân ruộng cao đến chân ruộng thấp, với chi phí làm đất chỉ còn 2,7 triệu đồng/ha, giảm 300.000 đồng; về khâu gặt lúa chủ ruộng cũng chỉ trả chi phí 2,6 triệu đồng/ha, giảm 400.000 đồng so với trước. Nhớ về những khó khăn thời ấy, ông Thu chia sẻ, giữa một đống nợ nần không ai dám nhận, nhưng vì cuộc sống gia đình, xã viên nhận khoán ruộng, cùng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ nên các thành viên HTX luôn có được sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc gầy dựng HTX. Nhiều người ngày xưa bán ruộng nay lại mong có ruộng để làm, bởi làm lúa cũng không nặng nhọc lắm. HTX trực tiếp cung ứng các dịch vụ từ làm đất, phân bón, lúa giống đến thu hoạch nên ngày mùa bà con chẳng cần ra đồng, đến lúc gặt chỉ cần 1 cuộc điện thoại là lúa được chở về tận sân nhà. Chính việc làm hiệu quả của HTX đã thuyết phục được xã viên, tạo sự nhất quán trong tổ chức sản xuất, nhất là thời vụ gieo trồng được rút ngắn còn 15 – 20 ngày (giảm 5-10 ngày); sâu bệnh hại cây trồng gần như không có, năng suất lúa luôn đạt 10 tấn/ha (tăng 2 tấn so với năm 2010); với diện tích hơn 300 ha, sản lượng lúa của HTX luôn đạt bình quân 5.000 – 5.500 tấn/năm; tổng doanh thu năm 2014 đạt 32 tỷ đồng.

Cựu binh già vực dậy miền đất khó

Ở cái tuổi về hưu, nhiều người chọn cảnh vui vầy bên con cháu, nhưng với cựu binh già Đặng Thái Nhị thì khác, ông quyết định chọn sự rong ruổi trên những miền đất mới để tìm bến đỗ cho những dự định, hoài bão… làm giàu của mình.

Ông Đặng Thái Nhị bên đàn bò gắn chip truy xuất nguồn gốc.
Ông Đặng Thái Nhị bên đàn bò gắn chip truy xuất nguồn gốc.

Sinh ra giữa thời chiến trong một gia đình nghèo đông anh em nên ông biết thế nào là đói khổ, chiến tranh. Năm 1972, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên Huế; khi hòa bình lập lại, ông được cử đi học tại Đông Đức và chuyển sang hoạt động trên lĩnh vực ngoại giao. Cứ mỗi chuyến công tác ông lại dành thời gian tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới, và với vốn kinh nghiệm tích lũy được sau các chuyến công tác nước ngoài, khi về hưu (1994) ông lại viết các dự án chăn nuôi gửi đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tìm kiếm nhà đầu tư hợp tác với mình để triển khai dự án... Và kết quả thật bất ngờ, năm 2008, ông được Đại sứ quán Úc tại Việt Nam mời nói chuyện và thỏa thuận đầu tư về Dự án chăn nuôi bò sữa (đề tài của ông gửi đăng trên trang web của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội). Khi đã có đối tác rồi, ông lại rong ruổi khắp mọi miền đất nước tìm nơi phù hợp để triển khai dự án, ông Nhị nhớ lại: thuyết phục nhà đầu tư đã khó, tìm đất cho dự án càng khó hơn do các chuyên gia Úc yêu cầu rất khắt khe về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là nguồn thức ăn cho đàn bò... Cuối cùng ông cũng tìm được bến đỗ cho Dự án của mình tại xã Ea Lai (huyện M’Đrắk), nhưng ở đây chủ yếu là đồi núi nên ông phải thuê máy san núi lấp vực lấy mặt bằng xây dựng chuồng trại, nhà máy; đồng cỏ, đồng bắp là nguồn thức ăn đặc biệt cho giống bò sữa... Với những nỗ lực không ngừng của ông và các thành viên, ngày 12 – 6 – 2012, dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt, bò sinh sản, nhà máy chế biến sữa với quy mô 13.000 con do ông lập đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trước đó, đơn vị thực hiện Dự án là Công ty TNHH Liên hợp Công nông nghiệp và phát triển bền vững Sao Đỏ (thành lập năm 2009) do ông Nhị làm Giám đốc, cho đến nay đã nhập khẩu trên 3.000 con bò thịt, bò sinh sản giống Brahman và Droughmaster, trong đó xuất bán ra thị trường trên 2.000 con bò thịt; hiện tại, 114 bê con 6 tháng tuổi của công ty sinh trưởng phát triển tốt, đạt trọng lượng 200kg/con và 110 con bò mẹ giống B3 dự sinh vào tháng 9 sắp tới.

Không chỉ phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 400 công nhân với mức lương 3 – 5 triệu đồng/người/tháng mà Công ty còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ hộ nghèo, hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn… tại địa phương.

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.