Multimedia Đọc Báo in

Chần chừ giảm giá cước vận tải

08:58, 28/09/2015

Sau chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND tỉnh, các doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kê khai giảm giá cước phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu, song vẫn còn rất nhiều đơn vị chần chừ chưa thực hiện…

Giá xăng giảm thêm 1.200 đồng/lít vào ngày 3-9 và cũng là kỳ giảm liên tiếp lần thứ 5 tính từ đầu tháng 7-2015 đến nay. Nếu so với giá xăng hồi đầu năm 2015, sau 4 lần tăng giá và 7 lần giảm giá, giá xăng hiện tại rẻ hơn 548 đồng/lít và dầu diesel rẻ hơn 3.681 đồng/lít. Theo tính toán của các DN vận tải, trong tất cả các yếu tố cấu thành giá cước vận tải thì chi phí nhiên liệu chiếm từ 30-40%, do đó, khi giá nhiên liệu giảm nghĩa là chi phí đầu vào của DN vận tải cũng giảm theo đáng kể. Tính đến ngày 22-9 đã có 23/45 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định đã thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải theo quy định của Bộ GTVT, với mức giảm từ 3-10%. Trong đó, có 3 DN tiên phong thực hiện giảm giá cước bắt đầu từ ngày 1-9 là HTX vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil (huyện Ea Súp), Công ty Cổ phần thương mại Phước Thịnh (huyện Ea H’leo), HTX vận tải cơ giới Krông Bông (huyện Krông Bông). Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ nhiệm HTX Cư Mil cho biết, trong những năm qua, hoạt động vận tải tư nhân trong tỉnh phát triển mạnh nên giảm giá cước theo giá nhiên liệu là hết sức cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt hiện nay, đó cũng là yếu tố quan trọng giúp DN giữ ổn định lượng khách trên các hành trình. Còn tại HTX vận tải Krông Ana (huyện Krông Ana) cũng đồng tình việc giảm giá cước vận tải khi giá nhiên liệu giảm. Hiện HTX có 17 xe khách chạy tuyến cố định từ Krông Ana đi các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh; bắt đầu từ ngày 14-9, HTX thực hiện giảm giá cước mức 5% so với trước đó…

Hành khách chờ xe tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk.
Hành khách chờ xe tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa thực sự quan tâm đến việc giảm giá cước, cho đến nay, mới chỉ có khoảng 50% số đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện giảm giá. Ngay sau khi giá xăng dầu giảm sâu vào ngày 3-9, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý giá và thực hiện kê khai giá tại đơn vị vận tải đường bộ trên địa bàn, bảo đảm nguyên tắc giảm giá cước phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu. Đến ngày 11-9, UBND tỉnh cũng có văn bản gửi Sở GTVT và Sở Tài chính tăng cường việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị vận tải không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu. Tại buổi gặp mặt các DN vận tải mới đây, một số DN cho rằng, ngoài chi phí nhiên liệu, hoạt động vận tải đang phải gồng mình gánh rất nhiều loại phí như phí bảo trì đường bộ, phí qua các trạm BOT, phí bảo hành, bảo dưỡng phương tiện… Cùng với đó, giá nhiên liệu biến động liên tục trong một khoảng thời gian ngắn cũng đẩy DN vận tải rơi vào tình thế khó thay đổi giá cước cho kịp... Chẳng hạn, vào ngày 3-9 giá xăng dầu được điều chỉnh giảm về mức thấp, nhưng chỉ sau đó 15 ngày lại điều chỉnh tăng lên hơn 600 đồng/lít, đã gây khó khăn cho DN trong việc tính toán giảm giá cước, nhất là đối với các hãng taxi. Đại diện taxi Mai Linh tại Đắk Lắk cho biết, việc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đối với taxi khó khăn và tốn kém hơn nhiều so với hoạt động vận tải theo tuyến cố định. Chẳng hạn, đối với 300 xe của đơn vị đang quản lý, muốn thực hiện giảm giá cước thì DN phải bỏ ra khoảng 40 triệu đồng để kiểm định lại đồng hồ, bảng niêm yết giá cước tại cơ quan chức năng. DN cũng mong muốn cơ quan chức năng cần có lộ trình trong việc điều chỉnh giá nhiên liệu để tránh tình trạng DN vận tải vừa thực hiện giảm giá cước thì xăng dầu lại điều chỉnh tăng lên, gây khó khăn cho hoạt động vận tải nói chung, các hãng taxi nói riêng.

Xe buýt tuyến Buôn Ma Thuột - Ea Súp đón khách trên đường Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột).
Xe buýt tuyến Buôn Ma Thuột - Ea Súp đón khách trên đường Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột).

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đình Minh, Phó Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT) cho biết, nhằm đôn đốc các đơn vị thực hiện giảm giá cước vận tải, Sở đã tổ chức gặp mặt và yêu cầu các DN có xe chạy tuyến cố định, xe buýt, taxi, chạy hợp đồng, xe du lịch và vận tải hàng hóa phải thực hiện ngay việc giảm giá cước theo quy định. Việc giảm giá cước phải được niêm yết tại đơn vị, các quầy bán vé, trên xe hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Đối với các đơn vị cố tình không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định. Cùng với việc đôn đốc, nhắc nhở, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra việc thực hiện kê khai niêm yết và giảm giá cước tại các DN vận tải.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc