Dưa nước rẫy hút khách
Dưa nước là loại trái cùng họ với dưa leo nhưng có trái to gấp 4 đến 5 lần so với trái dưa leo bình thường. Đây là giống dưa được bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trồng phổ biến ở trong nương rẫy vào mùa trỉa lúa, trỉa bắp; hoặc cũng có thể trồng dưới bồn cây cà phê, người bản địa ở Đắk Lắk gọi trái dưa nước là “K’mun ea”. Cũng như dưa leo, dưa nước phát triển rất nhanh và dễ trồng, chúng thường ưa bóng mát và nơi đất ẩm. Dây dưa nước không khác với dưa leo bình thường là mấy, với thời gian khoảng 3-4 tháng là người trồng đã có thể thu hoạch những trái dưa to bằng bắp tay, thậm chí có thể to hơn thế.
Thương lái thu mua dưa nước tại Quốc lộ 14. |
Từ lâu người đồng bào ở Tây Nguyên như Êđê, M’nông, J’rai đã dùng những trái dưa này trong các bữa ăn hằng ngày hay dùng để trộn muối ớt ăn. Nếu như dưa leo chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe thì dưa nước cũng không thua kém gì. Ngoài tính mát chúng còn có tác dụng cung cấp nước làm đẹp da và thanh lọc cơ thể. Chị Trần Thị Nhung (Cư Bao, TX. Buôn Hồ) cho biết: “Tôi thường ra ngoài chợ mua dưa nước khi quả còn non của người đồng bào ở đây để về xào làm đồ ăn hoặc ép nước uống làm đẹp. Tôi cũng đang tìm mua những trái dưa nước già để lấy hạt làm giống năm sau trồng trong rẫy nhà mình”.
Giá cả loại dưa này dao động trung bình từ 10-15 nghìn đồng/kg và có thể lên đến 30 nghìn đồng vào độ cuối mùa. Dưa nước có thể trồng xen canh với cà phê hoặc rẫy lúa theo mùa vụ nên người dân luôn được giá. Ngoài tốt cho sức khỏe, dưa nước còn được ưa chuộng giống như món ăn truyền thống trong đời sống của người đồng bào Tây Nguyên.
Hiện nay để tìm mua những trái dưa nước không khó, chỉ cần chịu khó vào các buôn làng hỏi là có thể tìm mua được, hoặc dọc các quốc lộ như Quốc lộ 14 đoạn xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar (km15+16) hay Quốc lộ 26 đoạn xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc (km 10+12). Bà Aduôn Tiên (Cuôr Đăng, Cư M’gar) cho hay: Tôi làm nghề buôn bán dưa nước được hơn 3 năm nay rồi và bán rất chạy. Thậm chí có người ở tận Sài Gòn là khách đi đường một lần mua thử về ăn thấy ngon và bổ nên họ lấy số điện thoại, đặt hàng với số lượng lớn khi tới mùa”.
Djuang Niê
Ý kiến bạn đọc