Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở huyện Cư Kuin

13:03, 09/09/2015
Để giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ổn định và bền vững, Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin đã bước đầu xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại buôn Kram, xã Ea Tiêu.

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học được Trạm Khuyến nông huyện triển khai thực hiện từ tháng 4-2015 với 5 hộ gia đình ở buôn Kram, xã Ea Tiêu với tổng số vốn đầu tư gần 19 triệu đồng. Để thực hiện tốt mục tiêu của mô hình, Trạm Khuyến nông đã cử cán bộ kỹ thuật tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm, lựa chọn hộ và cung ứng 500 con gà giống lương phượng. Đồng thời, các hộ tham gia được hỗ trợ 100% con giống, 50% thức ăn, thuốc thú y và tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gà an toàn sinh học cũng như biện pháp phòng trị một số bệnh hay xảy ra trên đàn gà.

Gia đình chị H’Ster Knul ở buôn Kram cho biết trước đây, gia đình chị chăn nuôi gà nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, không nắm vững kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế đạt thấp. Tham gia mô hình chăn nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học của Trạm Khuyến nông huyện, gia đình chị nuôi 100 con, chỉ sau hơn 3 tháng chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật đã cho xuất chuồng lứa đầu tiên, trung bình mỗi con có trọng lượng 1,8 kg với giá bán 60.000 đồng/con. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lợi nhuận gần 1,7 triệu đồng. Chị H’Ster Knul cho biết thêm: Chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tiết kiệm chi phí, chuồng trại lúc nào cũng sạch, tận dụng được thức ăn sẵn có như lúa, rau, phụ phẩm nông nghiệp… Gia đình chị H’ Per Ênuôl cũng tham gia mô hình với quy mô 100 con gà. Từ khi áp dụng chăn nuôi gà theo mô hình an toàn sinh học, gia đình chị đã tiết kiệm được công lao động trong quá trình chăm sóc, đồng thời tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, sẵn có trong gia đình. Mô hình còn góp phần chuyển đổi dần hình thức nuôi chăn thả không cách ly, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh sang hướng chăn nuôi tập trung kết hợp có vườn rào cách ly với khu sinh hoạt của gia đình.

Đánh giá kết quả bước đầu của mô hình, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin cho biết, đây là hướng làm ăn hiệu quả, bền vững, thời gian tới Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ở nhiều địa phương khác để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần nâng cao thu nhập.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc