Multimedia Đọc Báo in

Những giải pháp hiệu quả để siết chặt quản lý thu hồi nợ đọng thuế

01:18, 06/09/2015

Từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có rất nhiều biện pháp chỉ đạo tích cực để ngành thuế phải “mạnh tay” hơn nữa trong công tác thu hồi nợ đọng thuế nhằm bảo đảm đến ngày 31-12-2015, số nợ thuế không được vượt quá 5% tổng thu ngân sách Nhà nước theo mục tiêu đề ra.

Đây được xem là “bài toán khó” cho cơ quan thuế các cấp trong điều kiện hiện nay khi mà kinh tế chưa thực sự phục hồi ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của nhiều tổ chức, cá nhân vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, phần đa các doanh nghiệp nợ đọng thuế đều là những đối tượng đang gặp khó khăn về tài chính, khó có khả năng thanh khoản các khoản nợ nói chung, nợ thuế nói riêng. Bên cạnh đó, cũng còn không ít đối tượng nợ thuế cố tình chây ì, chiếm dụng ngân sách Nhà nước thông qua nợ thuế. Đối với Đắk Lắk, tình hình nợ đọng thuế cũng đang ở mức cao so với tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (tính đến ngày 31-12-2014 số nợ đọng thuế của toàn tỉnh Đắk Lắk là 6,7%/tổng thu ngân sách Nhà nước, vượt 1,7% so với chỉ tiêu được giao). Vì thế, để đẩy lùi, giảm nợ thuế về ngưỡng không quá 5% tổng thu ngân sách Nhà nước theo yêu cầu, đòi hỏi cơ quan thuế các cấp của tỉnh phải quyết tâm cao, chủ động thực hiện những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa theo quy định và theo chỉ đạo của ngành, của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Qua nghiên cứu chính sách và tổng hợp kinh nghiệm quản lý, thu nợ thuế tại một số địa phương có kết quả quản lý nợ tốt (Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Gia Lai…), xin nêu ra 5 nhóm giải pháp tích cực nhằm siết chặt quản lý và thu hồi nợ thuế có hiệu quả:

Về công tác tuyên truyền, tư vấn, cơ quan thuế trước hết phải khéo léo lồng ghép công tác thu nợ thuế trong tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ các đối tượng nộp thuế, cải tiến mạnh mẽ cách làm thông qua các hình thức tiếp xúc trực tiếp (để giải thích, thuyết phục) và thông qua các kênh thông tin đại chúng để biểu dương các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt việc thanh toán nghĩa vụ thuế đồng thời nêu tên những đối tượng có nợ thuế, nhất là đối tượng dây dưa, chây ì nợ thuế để tạo áp lực dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cần chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu nợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế để phát huy vai trò thực sự của các thành viên Ban chỉ đạo các cấp (tỉnh, huyện, xã).

Song song với đó, cơ quan thuế cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sản xuất kinh doanh, nắm chắc các nguồn thu phát sinh và khả năng trả nợ của người nộp thuế trên địa bàn mình quản lý; đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nợ thuế theo từng địa bàn, từng lĩnh vực và từng đối tượng từ đó tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả đôn đốc thu và dự báo khả năng trả nợ hằng tháng, hằng quý sát đúng với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của người nộp thuế. Phân loại, xác định cụ thể từng nhóm đối tượng theo tiêu chí tình hình tài chính, khả năng thanh khoản, ý thức trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và tình hình công nợ phải thu, phải trả (kể cả các bên liên quan như khách hàng, chủ nợ, ngân hàng…) để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thu nợ hiệu quả.

Cơ quan thuế cần bám sát các chỉ đạo về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế của ngành và của cấp ủy, chính quyền địa phương, bảo đảm thực hiện đúng, đủ, kịp thời các biện pháp quản lý nợ đối với người nộp thuế còn nợ thuế theo quy định. Cục thuế giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho từng bộ phận, công chức đối với khoản tiền nợ thuế để có biện pháp tổ chức thu kịp thời và định kỳ hằng tháng kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao. Nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng nợ thuế kéo dài, tiền nợ thuế tăng không có nguyên nhân và không có biện pháp xử lý.

Một giải pháp quan trọng nữa là tiếp tục hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế thông qua các biện pháp cắt giảm và cải tiến thủ tục hành chính mạnh mẽ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thiết nghĩ, thực hiện các giải pháp nói trên vừa đạt được mục tiêu thu hồi các khoản nợ thuế của người nộp thuế, vừa tạo niềm tin cho người nộp thuế khi cơ quan thuế không ngừng thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong khai nộp thuế, từ đó từng bước cải thiện hình ảnh và nâng cao uy tín của cơ quan thuế trong mắt người nộp thuế.

Ths. Đăng Thủy

(Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.