Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đô thị Đắk Lắk: Nhìn lại chặng đường 10 năm

09:52, 30/09/2015

Sau khi chia tách tỉnh đầu năm 2004, Đắk Lắk có 14 đô thị các loại, đến nay đã phát triển lên 16 đô thị, trong đó Buôn Ma Thuột được công nhận đô thị loại I vào năm 2010.  Hệ thống đô thị trong tỉnh đã phát huy được vai trò là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật của từng địa phương.

Từ những định hướng chiến lược

Một góc đô thị trẻ Buôn Hồ.
Một góc đô thị trẻ Buôn Hồ.

Năm 2004, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn Đắk Lắk đến năm 2020 mang tính định hướng chiến lược để phát triển hệ thống đô thị của tỉnh. Năm 2013, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết số 11-NQ/TU ngày 26-10-2012 của Tỉnh ủy về phát triển hệ thống đô thị đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với nhiều mục tiêu, yêu cầu cụ thể nhằm bảo đảm hệ thống đô thị của tỉnh phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… Năm 2014, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3218/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 nhằm mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị phù hợp với Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020, có cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật hiện đại, môi trường trong sạch, phân bố và phát triển hợp lý, phát huy đầy đủ các thế mạnh, góp phần thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo. Từ những định hướng trên, sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng, hệ thống đô thị của tỉnh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Năm 2010, TP. Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I; năm 2012,  thị trấn Phước An (Krông Pắc), được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV; năm 2014, thị trấn  Buôn Trấp (Krông Ana) được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV; xã Pơng Đrang (huyện Krông Búk) là đô thị loại V. So với định hướng phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2015 của UBND tỉnh, đến nay, mục tiêu này đã cơ bản hoàn thành. Việc đầu tư phát triển đô thị được chính quyền địa phương các cấp quan tâm, đã tranh thủ được các nguồn lực đầu tư để từng bước xây dựng các đô thị hiện đại, văn minh. Việc thu hút nguồn vốn ODA đã góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng, phát triển các đô thị: Dự án bổ sung nguồn nước cho TP. Buôn Ma Thuột, công suất 35.000m3/ngày đêm và dự án cấp nước cho 3 đô thị thuộc huyện: Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Năng với tổng công suất 5000 m3/ngày đêm,  sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Châu Á (ADB); Dự án khai thác nước mặt từ hồ Ea Cuôr Kăp bổ sung nước sinh hoạt cho TP. Buôn Ma Thuột, công suất 5.000 m3/ngày đêm, sử dụng nguồn vốn vay Quỹ đầu tư phát triển và vốn tự có của doanh nghiệp với tổng mức đầu tư 28,30 tỷ đồng; Dự án mở rộng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và đấu nối hộ gia đình TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn II với  quy mô phục vụ cho 65.000 người, mở rộng đấu nối cho 5.300 hộ gia đình (sử dụng nguồn vốn ODA vay tín dụng hỗn hợp Đan Mạch), tổng mức đầu tư trên 413,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các dự án giao thông cũng góp phần từng bước hiện đại hóa hạ tầng giao thông tại các đô thị: Dự án xây dựng mới đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột, với tổng chiều dài trên 15km, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh; Dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2010-2015, do ADB tài trợ, đang triển khai đấu thầu dự án…

TP. Buôn Ma Thuột phát triển hướng đến mục tiêu hiện đại, văn minh giàu bản sắc văn hóa và sinh thái.
TP. Buôn Ma Thuột phát triển hướng đến mục tiêu hiện đại, văn minh giàu bản sắc văn hóa và sinh thái.

Để phát triển đô thị bền vững

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, điều kiện sống của người dân đô thị cũng như đã khẳng định được vị trí động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, dù đã được ưu tiên tập trung nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhưng trong đó đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thu hút các nguồn lực từ bên ngoài thông qua các nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, nhất là các đô thị vừa và nhỏ (loại IV, loại V), đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển đô thị. Các dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng nguồn vốn ODA tuy được triển khai từ những năm 2009-2010, nhưng đến nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc ký hiệp định phụ vay lại với Bộ Tài chính… Để phát triển bền vững, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ địa phương xây dựng đề cương, kế hoạch triển khai Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 8-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 - 2020. Trong đó, tạo điều kiện cho các địa phương khu vực miền núi, Tây Nguyên tiếp cận các dự án cải thiện môi trường đô thị từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là từ nguồn vốn ODA trong các lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị.  Đồng thời,  hỗ trợ và hướng dẫn tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và Atlas đô thị và khí hậu theo Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 – 2020. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến các chương trình hỗ trợ kỹ thuật phát triển nguồn nhân lực, nhằm đào tạo nâng cao năng lực quản lý đô thị cho lực lượng cán bộ, công chức các cấp của tỉnh về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị...

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.