Xã Hòa Thắng - Cán đích nông thôn mới
Với xuất phát điểm chỉ đạt 6/19 tiêu chí nhưng qua hơn 4 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đã đạt 19/19 tiêu chí, vững vàng cán đích nông thôn mới trong niềm phấn khởi chung của các tầng lớp nhân dân trong xã.
Bắt đầu từ thôn, buôn
Là xã điểm về XDNTM của TP. Buôn Ma Thuột, nhưng điểm xuất phát của Hòa Thắng gặp nhiều khó khăn hơn các xã khác trên địa bàn thành phố khi chỉ đạt 6/19 tiêu chí. Những ngày đầu triển khai chương trình, cơ sở hạ tầng trong khu dân cư còn nhiều yếu kém, hệ thống giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, số hộ đói nghèo còn chiếm tỷ lệ khá cao, tình hình an ninh nông thôn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp... Xác định được những khó khăn này nên ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý, các tiểu ban XDNTM để hoàn thiện bộ máy điều hành, quản lý, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng thôn, buôn. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hộ dân, thôn, buôn nâng cao nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình; phát động ra quân XDNTM; huy động các đơn vị đứng chân trên địa bàn cùng chung tay XDNTM; xây dựng lộ trình hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới cho từng thôn, buôn, đơn vị, đoàn thể… Ông Trương Văn Minh, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM xã cho biết, khởi đầu của lộ trình XDNTM xã đã chọn 3 thôn và 1 buôn làm điểm hoàn thành các tiêu chí, trong đó, thôn 11 đột phá toàn diện các tiêu chí, thôn 5 về hạ tầng giao thông, thôn 4 về đường bê tông, buôn Kom Leo với hệ thống chính trị. Trên cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bình đẳng trong nhân dân, từ đó đã tạo được hiệu ứng lan truyền và động cơ để cán bộ cùng người dân địa phương nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đơn cử như thôn 3, có đến 80% là người dân tộc Mường, đời sống của bà con thuộc loại trung bình nhưng sau khi được tham quan các tuyến đường bê tông ở thôn 4 về người dân đã tự nguyện đóng góp làm 2,2 km đường bê tông ngõ, xóm, thậm chí nhiều hộ sẵn sàng phá tường rào, cây cối để hiến đất làm đường. Tại buôn Cuôr Kắp, là buôn khó khăn nhất xã, với 2/3 dân cư là đồng bào dân tộc tại chỗ nhưng khi vận động đóng góp làm đường, các hộ dân đều đồng tình ủng hộ. Chị Trần Thị Liên, ở tổ liên gia 7 cho hay, khi có chủ trương làm con đường bê tông dài 400 m phía trước nhà, gia đình rất vui vì từ đây sẽ không còn phải chịu cảnh đi lại lầy lội trong mùa mưa. Được sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng, người dân đã tham gia đóng góp, hộ cao nhất trên 12 triệu đồng, thấp nhất 2 triệu đồng, riêng gia đình chị Liên đóng góp 10 triệu đồng… Trong hơn 4 năm thực hiện XDNTM, xã đã huy động nhân dân hiến hơn 10.000 m2 đất, gần 10 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn.
Nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở buôn Cuôr Kắp (xã Hòa Thắng). |
XDNTM theo hướng hiện đại
Cũng theo ông Trương Văn Minh, XDNTM ở xã Hòa Thắng khác với các xã vùng sâu, vùng xa là xây dựng theo các tiêu chí đô thị, nghĩa là các tiêu chí đều được thực hiện theo hướng hiện đại hóa, bởi Hòa Thắng có lợi thế là nằm trên địa bàn có sân bay Buôn Ma Thuột và tuyến QL 27 đi qua nên chịu sự tác động, ảnh hưởng trong quá trình đô thị hóa. Chính vì vậy các tiêu chí về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường, thu nhập, giáo dục, y tế… ở đây đều phải được tập trung hoàn thiện. Theo đó, sau hơn 4 năm XDNTM, đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa 100%, đạt tiêu chuẩn của Bộ Giao thông-Vận tải. Đến cuối năm 2015, đường trục thôn, buôn được cứng hóa 71% và đường ngõ, xóm đạt gần 53%; đường trục chính nội đồng đã cứng hóa trên 71%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt trên 98% và 100% hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành. Hiện xã đã có 3/4 trường học đạt Chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Trạm y tế xã đã đạt Chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 70%... Đặc biệt, xác định phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí nên địa phương đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Theo đó, năng suất lúa tăng bình quân từ 5,5 tấn/ha (năm 2010) lên 8 tấn/ha, cà phê tăng từ 2,8 tấn/ha lên 3,5 tấn/ha năm 2014. Hiện xã đã cơ bản định hướng quy hoạch 6 vùng sản xuất, phát triển kinh tế theo đặc thù từng thôn, buôn và quy hoạch nông thôn mới; có 3 HTX và 1 Quỹ tín dụng nhân dân, 6 tổ hợp tác về sản xuất cà phê bền vững và bơ dakado, 23 trang trại chăn nuôi…
Cùng với việc hoàn thành được 19/19 tiêu chí XDNTM, xã Hòa Thắng còn nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân một cách bền vững. Nếu năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng thì đến cuối năm 2014 đã tăng lên 25,67 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm còn 1,95% và hộ cận nghèo còn 3,4%. Diện mạo của xã đã thay đổi theo hướng hiện đại, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững. Đáng mừng nhất là nhận thức của nhân dân đã thay đổi, đã xác định và thể hiện được vai trò chủ thể của mình trong XDNTM.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc