Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở xã Ea Sô: Nan giải chặng đường về đích

06:48, 27/09/2015

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông nghiệp, nông thôn xã Ea Sô (huyện Ea Kar) đã có nhiều đổi thay đáng kể, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để hoàn thành lộ trình đúng thời gian thì vẫn đang là một bài toán nan giải đối với xã vùng ba này.

Nhiều “chướng ngại vật”

Đưa chúng tôi đi thăm thôn 4, buôn Ea Brah, Cư Ana Săn, Ea Kông – những thôn, buôn khó khăn nhất của xã, ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô phân trần: “Quá trình xây dựng nông thôn mới của xã đang gặp rất nhiều “chướng ngại vật” cần phải vượt qua, trong đó nan giải nhất là tiêu chí giao thông, điện, trường học, nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo. Những tiêu chí này gần như không thể đạt được nếu không có nguồn hỗ trợ”. Với địa hình rộng trên 32.000 ha, chủ yếu là đồi núi, vùng đồng bằng nhỏ hẹp lại bị chia cắt bởi rừng, đồi khiến xã gặp vô vàn khó khăn trong xây dựng đường giao thông. Hiện tại, từ nguồn vốn của Chương trình 135 và huy động người dân hiến đất, đóng góp ngày công, xã mới chỉ làm được 17 km đường cấp phối trong tổng số trên 200 km đường giao thông liên thôn, số còn lại toàn là đường đất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, để hoàn thành tiêu chí giao thông, xã phải bê tông, cứng hóa 183 km đường còn lại. Đối với một xã vùng ba như Ea Sô, đây thực sự là một thử thách rất khó vượt qua.

 Nhà ở  của nhiều hộ dân  ở thôn 4  xã Ea Sô chưa đạt chuẩn  nông thôn.
Nhà ở của nhiều hộ dân ở thôn 4 xã Ea Sô chưa đạt chuẩn nông thôn.

Không chỉ loay hoay với bài toán giao thông nông thôn, xã cũng đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí điện. Toàn xã có 10 thôn, buôn nhưng vẫn còn 2 thôn, buôn (thôn 4 và buôn Ea Kông) chưa có điện khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Đơn cử như ở thôn 4, mặc dù được thành lập từ năm 1994 nhưng đến nay mới chỉ có 2 hộ ở đầu thôn gần với đường điện chính của buôn Ea Brah đã tự đầu tư kéo điện, 74 hộ còn lại vẫn chưa được dùng điện lưới. Để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, những hộ có điều kiện đã bỏ ra từ 1,2 đến 3,5 triệu đồng mua tấm thu năng lượng mặt trời, những hộ khó khăn hơn đành thắp nến, đèn dầu và nấu nướng bằng bếp củi. Ông Bạch Công Thủy, Trưởng thôn 4 cho biết: “Toàn thôn có 76 hộ, trong đó trên 30% là hộ nghèo. Do địa hình rộng trên 700 ha, dân cư thưa thớt, chủ yếu sống ở ven sông, suối nên mặc dù ngành chức năng đã tiến hành khảo sát phương án kéo điện lưới nhưng vẫn chưa thể thực hiện được”.

Ngoài tiêu chí giao thông, điện, cơ sở vật chất trường học cũng là một “cửa ải” khó đối với Ea Sô. Năm 2008, UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Huỳnh Thúc Kháng, quy mô 600 học sinh, tuy nhiên, đã 7 năm trôi qua, ngôi trường này vẫn chưa được xây dựng. Vì vậy, hơn 300 học sinh tiểu học trên địa bàn phải học nhờ ở Trường Tiểu học La Văn Cầu (sau khi chia tách địa giới hành chính, trường thuộc xã Ea Sar) và mượn tạm hội trường thôn, nhà văn hóa cộng đồng buôn làm lớp học cho các em. Cũng do khó khăn về cơ sở vật chất nên 300 học sinh THCS của xã cũng phải đi học ở các xã lân cận, dẫn đến nguy cơ bỏ học cao. 

Bên cạnh những khó khăn trên, tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo cũng là những “nút thắt” khó gỡ đối với chính quyền xã. Cái khó nhất để thực hiện tiêu chí này chính là cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ; thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài nhưng lại chưa có công trình thủy lợi đã làm cho diện tích cây công nghiệp ngắn và dài ngày chậm phát triển, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Mặc dù thời gian qua, từ các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, huyện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo; các ngành hữu quan, hội, đoàn thể cũng đã vào cuộc xây dựng mô hình sản xuất vải thiều mang lại hiệu quả kinh tế cao, triển khai dự án giảm nghèo trồng cây bắp lai… góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, song tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn ở mức cao, chiếm 24,6%.

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Thủy, chặng đường phấn đấu đưa địa phương trở thành xã nông thôn mới còn khá gian nan. Từ 1 tiêu chí lúc ban đầu, sau hơn 4 năm triển khai, đến nay xã mới đạt 6 tiêu chí gồm quy hoạch, bưu điện, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và trật tự an toàn xã hội. Còn lại 13 tiêu chí khác đều cần có nguồn lực đầu tư mới thực hiện được. Qua tìm hiểu được biết, để xây dựng cơ sở hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới, xã Ea Sô cần nguồn vốn 346 tỷ đồng, nhưng hơn 4 năm qua, xã mới chỉ được hỗ trợ 200 triệu đồng cho công tác quy hoạch xây dựng đề án, trong khi đó, nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho chương trình này còn hạn hẹp. Mặc dù chính quyền xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng do đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên công tác huy động vốn gặp nhiều trở ngại. “Khát” vốn là rào cản chính trên lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, khiến con đường về đích càng thêm nhọc nhằn, xa vợi.

Để tháo gỡ những khó khăn, trước mắt Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới xã Ea Sô đang tăng cường thực hiện chính sách an sinh xã hội, huy động sức đóng góp của người dân để mở rộng, cứng hóa đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, vận động chuyển đổi cây trồng vật nuôi hợp lý, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững; đồng thời, chú trọng tìm đầu ra cho nông sản, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, bên cạnh phát huy nội lực, Ea Sô đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc