Doanh nghiệp Đắk Lắk nỗ lực chuẩn bị cho hội nhập (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Vững vàng ra biển lớn
Lường trước được những khó khăn khi hội nhập kinh tế quốc tế, DN trên địa bàn tỉnh đang có những giải pháp chủ động thích ứng với áp lực cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, Nhà nước cũng có những chương trình hỗ trợ giúp DN vững vàng vươn ra biển lớn.
“Chấp nhận khó khăn, rủi ro và cố gắng vượt qua áp lực” là quan điểm của lãnh đạo Công ty TNHH Anh Minh (TP. Buôn Ma Thuột) khi đứng trước những thách thức của thời hội nhập. Là DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê từ 2005, công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do diễn biến bất thường của thị trường quốc tế, niên vụ 2014 – 2015, sản lượng cà phê xuất khẩu chỉ đạt 16.000 tấn (chưa bằng 50% so với niên vụ trước đó). Ông Phan Hùng Anh, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: khó khăn của các đơn vị kinh doanh, xuất khẩu cà phê là thời gian qua, giá trong nước thường cao hơn giá thế giới dẫn đến tình trạng kháng giá, khiến DN rất khó xuất hàng. Đặc biệt, thời gian tới, sẽ có thêm các DN cà phê nước ngoài vào Việt Nam thu mua, chế biến, xuất khẩu mặt hàng này càng khiến cho tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn. Cùng với đó, khi xóa bỏ thuế quan, các đối tác nước ngoài sẽ dựng lên hàng rào về chất lượng và an toàn thực phẩm, gây khó khăn thêm cho DN Việt Nam vốn hạn chế về năng lực kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, ông Anh cũng nhận thấy những thuận lợi lớn theo nguyên tắc thương mại minh bạch, công bằng của kinh tế thế giới, đặc biệt, sẽ không còn các DN “ma” gây cạnh tranh thiếu sòng phẳng trên thị trường, các DN chân chính yên tâm làm ăn. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm và năng lực chế biến của các nhà rang xay trong nước cũng đã có những tiến bộ, sản phẩm từng bước khẳng định được uy tín trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, khi cạnh tranh với DN nước ngoài, các DN trong nước còn có lợi thế là có quan hệ gần gũi với người nông dân và hiểu biết am tường về ngành cà phê Việt Nam. Để chủ động bước vào hội nhập, công ty đã có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao khả năng quản lý và thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng tiếp cận trực tiếp đối tác là các đơn vị chế biến để giảm tình trạng bán qua trung gian, gây thiệt thòi về giá cả. Đồng thời, đơn vị cũng liên kết với 20.000 hộ dân sản xuất cà phê, với sản lượng bình quân hằng năm đạt 40.000 tấn đạt chuẩn quốc tế UTZ, 4C, Rainforest… nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Sản phẩm thép cuộn tại Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á, Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột. |
Thời gian tới, mục tiêu của ngành Công thương là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, trong đó, tiếp tục chú trọng các sản phẩm có lợi thế và phát triển các sản phẩm qua chế biến, có giá trị gia tăng cao; đồng thời, phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. Nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN, UBND tỉnh cũng đã có Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN vừa và nhỏ tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014 – 2020”, với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm tạo bước chuyển biến về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực và khả năng cạnh tranh của các DN trong tỉnh; xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu các sản phẩm; đồng thời, hình thành 30 – 40 sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Về nội dung, dự án sẽ tập trung xây dựng các mô hình điểm về năng suất, chất lượng; hỗ trợ các DN tăng cường việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện hệ thống quản lý tiên tiến và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, công nghệ mới và hình thành đội ngũ chuyên gia về năng suất, chất lượng. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giúp các DN trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực quản lý nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Về phía các DN, sẽ tăng cường áp dụng các công nghệ tiên tiến để bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản nhằm giảm được tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị hàng hóa, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Về thị trường, không chỉ tập trung vào một số ít đối tác để tránh lệ thuộc và gặp rủi ro khi kinh tế thế giới có nhiều biến động. Nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu và xu hướng của thị trường quốc tế, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc... Bên cạnh đó, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, các "luật chơi" và thỏa thuận, cam kết với các đối tác trong lĩnh vực thương mại, hợp tác kinh tế quốc tế. Bên lề lớp Tập huấn Kỹ năng xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột đầu tháng 10 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, để nâng cao năng lực xuất khẩu, các DN Đắk Lắk cần chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại quốc tế, kỹ năng đàm phán hợp đồng và thực hiện nghiêm các cam kết song phương và đa phương với đối tác nước ngoài.
Minh Thông
[links()]
Ý kiến bạn đọc