Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp Đắk Lắk nỗ lực chuẩn bị cho hội nhập (Kỳ I)

09:34, 20/10/2015

Để vững vàng bước vào sân chơi lớn theo xu thế hội nhập, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thích nghi, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, từng bước thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Kỳ I: Sân chơi lớn

Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của kinh tế thế giới và xu thế đó đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, trong đó, không quốc gia nào muốn đứng ngoài cuộc chơi lớn này. Tuy nhiên, khi đã bước chân vào đó thì cơ hội nhiều, nhưng thách thức cũng không ít…

Những ràng buộc từ các hiệp định thương mại tự do

Từ năm 2015, Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA) bước vào giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ sâu các dòng thuế, đồng thời, cộng đồng kinh tế ASEAN cũng sẽ chính thức thành lập vào cuối năm nay. Cùng với đó, đầu tháng 10-2015, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới được chính thức ký kết sau 5 năm đàm phán sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam và 11 thành viên khác gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Hoa Kỳ.

May gia công hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần may Đắk Lắk.
May gia công hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần may Đắk Lắk.

Với hiệp định ATIGA, năm 2015, cơ bản các mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế quan và 7% tổng số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018. Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác khác. Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn về thuế quan, ASEAN đã thống nhất sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan, đối với ASEAN 6 (gồm Brunei, Inđônêsia, Malaysia, Philipine, Singapo và Thái Lan) vào năm 2010, với các nước Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam là vào năm 2015, với một số dòng thuế linh hoạt đến 2018. Cũng theo cam kết, riêng một số mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm của Việt Nam như mía đường, cá ngừ… được phép duy trì mức thuế suất 5% sau giai đoạn 2018. Cụ thể, theo lộ trình cắt giảm thuế quan của hiệp định, đến nay, Việt Nam đã cắt giảm hơn 8.000 dòng thuế xuất, nhập khẩu xuống còn 0%, số còn lại (bao gồm 687 dòng thuế, chiếm 7% biểu thuế) sẽ điều chỉnh xuống 0% vào năm 2018, chủ yếu là các mặt hàng như ôtô, xe máy... Hiện, ngoại trừ xăng dầu và 7% dòng thuế thuộc danh mục hàng hóa nhạy cảm có thời gian bảo hộ dài, thì hầu hết các mặt hàng trong khu vực ASEAN đã được đưa về mức thuế suất 0% từ ngày 1-1-2015.

Trong khi đó, theo cam kết trong TPP, các nước sẽ xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế thuế xuất khẩu và không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên. Đặc biệt, về thương mại hàng hóa nông nghiệp mà hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam đều có thế mạnh riêng như cà phê, tiêu, lúa gạo, thủy sản…, các bên sẽ xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao an ninh lương thực và hỗ trợ việc làm cho người nông dân và chủ trại nuôi gia súc của các nước thành viên. Bên cạnh đó, nâng cao tính minh bạch trong việc vận hành DN Nhà nước và hạn chế việc cấp vốn ưu đãi từ Chính phủ hoặc các chính sách khác gây bóp méo thương mại nông sản, công nghệ sinh học và nông nghiệp hữu cơ.   

Dây chuyền chế biến cà phê của Công ty Cà phê An Thái ở Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.
Dây chuyền chế biến cà phê của Công ty Cà phê An Thái ở Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội DN Đắk Lắk cho biết, có thể thấy, các hiệp định thương mại đã ký kết sẽ là cú hích lớn cho DN trong nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng trưởng xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề quan trọng còn lại là khả năng chủ động nắm bắt, khai thác cơ hội nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các DN, nhà xuất khẩu… đến đâu.

Vươn ra thế giới

Việc thực hiện các cam kết thương mại song phương, khu vực và liên khu vực sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và DN chế biến, xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và phát huy lợi thế của các ngành, mặt hàng. Đặc biệt, tự do hóa thương mại theo cam kết của các hiệp định cũng mang đến nhiều cơ hội cho các DN trong việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị với giá cả rẻ và chất lượng hơn. Đối với các nông sản đặc trưng của Đắk Lắk như cà phê, cao su, tiêu... cũng sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu đi các nước trong khu vực; thu hút đầu tư nước ngoài vào hoạt động xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm cho người lao động tại địa phương. Trên thực tế, trong thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh cũng đã đạt được những kết quả đáng kể, đã có quan hệ thương mại với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Đông Nam Á, Tây Âu và Mỹ.

Riêng sản phẩm cà phê đã được xuất đi 36 quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt đã chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp… Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các sản phẩm như ong mật, ca cao.. cũng tiếp cận được các thị trường quốc tế và khẳng định được chất lượng. Có thể thấy, các DN trên địa bàn tỉnh đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, trong đó, sản phẩm chế biến từ nông sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Theo số liệu của Sở Công Thương, đến hết tháng 9-2015, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 393 triệu USD; trong đó, cà phê nhân 134.000 tấn, cà phê hòa tan 2.670 tấn, sản phẩm ong 4.956 tấn, cao su 3.500 tấn, hạt tiêu 3.336 tấn, điều 290 tấn, sản phẩm sắn 73.000 tấn... Trong khi đó, giá trị nhập khẩu chỉ 3,78 triệu USD, với các mặt hàng chủ yếu là nguyên vật liệu, bao bì, máy móc thiết bị...

Bên cạnh đó, với những cơ chế mở trong các hiệp định thương mại, thời gian tới, Đắk Lắk kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đến đặt nhà máy sản xuất (đặc biệt là chế biến cà phê), hình thành các mối liên kết giữa các DN trong và ngoài tỉnh để thực hiện chuyên môn hóa sản xuất hoặc cùng tham gia chuỗi sản xuất mang tính quốc tế. Điều này sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu, tạo ra sản phẩm tại chỗ và tăng việc làm cho người lao động địa phương. Đồng thời, khi các nhà sản xuất nước ngoài đặt cơ sở chế biến tại tỉnh sẽ tăng tính cạnh tranh trong việc thu mua nguyên liệu, từ đó người được hưởng lợi chính là nông dân. Mặt khác, đối với những DN Đắk Lắk có vốn đầu tư ra nước ngoài như Lào, Campuchia… cũng sẽ được ưu đãi thuế ở các nước sở tại và thuận lợi hơn trong việc hợp tác với DN nước ngoài.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.