Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp Đắk Lắk nỗ lực chuẩn bị cho hội nhập (Kỳ II)

14:19, 21/10/2015

Kỳ II: Áp lực cạnh tranh

Khi thực hiện những cam kết theo các hiệp định thương mại tự do, DN phải đối mặt với những rủi ro, đặc biệt là áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 6.300 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, phần lớn là DN có quy mô vừa và nhỏ nên năng lực cạnh tranh thấp. Đặc biệt, DN tư nhân đã phát triển về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn còn hạn chế về năng lực tài chính, quản lý, trình độ công nghệ, bởi vậy sức ép cạnh tranh về chất lượng, giá cả sản phẩm với hàng nhập khẩu sẽ càng lớn hơn. Bên cạnh đó, khi tham gia vào thị trường quốc tế, hàng rào chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và xuất xứ hàng hóa sẽ rất chặt chẽ, buộc DN phải bảo đảm các yêu cầu khắt khe từ nguyên liệu đầu vào, quá trình bảo quản chế biến, xử lý môi trường để có sản phẩm chất lượng tốt, an toàn và giá rẻ.
Khách hàng tham quan và mua ca cao của Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn tại huyện Krông Ana.
Khách hàng tham quan và mua ca cao của Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn tại huyện Krông Ana.

Trong cơ cấu kinh tế của Đắk Lắk, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất và được xác định là ngành chủ lực. Từ đây cũng tạo ra những sản phẩm xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân, DN và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu qua sơ chế, còn thiếu sản phẩm chế biến sâu có giá trị kinh tế cao, nhiều DN vẫn phải xuất khẩu nông sản thô qua trung gian đi các nước khác để chế biến nên lợi nhuận chưa cao. Bên cạnh đó, theo các DN, những loại nông sản của tỉnh cũng được sản xuất nhiều ở các nước khu vực Đông Nam Á do tương đồng về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nên khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, những mặt hàng có thế mạnh của địa phương như cà phê, tiêu, cao su, sắn... phải cạnh tranh với các mặt hàng của các nước khác trên thị trường quốc tế, nhất là Thái Lan và Indonesia về chất lượng, mẫu mã, các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, một trở ngại khác của các DN là thị trường quốc tế luôn đòi hỏi khắt khe về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm không bảo đảm yêu cầu sẽ không được chấp nhận. Thực tế, đã có những sản phẩm của Đắk Lắk bị đối tác từ chối vì chứa chất cấm trong quá trình sản xuất. Đơn cử như năm 2014, một số DN xuất khẩu tiêu bị Đức, Hà Lan trả lại hàng và chịu các phí tổn về vận chuyển, hợp đồng do dư lượng hoạt chất Carbendazim (thuốc diệt nấm, gỉ sắt) vượt ngưỡng cho phép. Tương tự, sản phẩm mật ong, cà phê khi xuất ra thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản cũng từng bị trả lại do không vượt qua khâu kiểm định VSATTP vì có chứa các chất cấm. Điều này không những gây thiệt hại về kinh tế cho DN mà còn làm giảm uy tín, thương hiệu và khả năng cạnh tranh hàng hóa Đắk Lắk trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc kiểm soát các chất ngoài danh mục cho phép đối với nông sản (nhất là cà phê, tiêu) của các DN cũng gặp nhiều khó khăn, bởi phần lớn diện tích các loại cây này đều nằm trong dân, mà thực tế người nông dân vẫn còn giữ thói quen trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản nông sản theo phương pháp truyền thống và sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thiếu hợp lý. Hiện các DN đã liên kết với người dân trong việc trồng cà phê, tiêu theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, FLO, Rainforest… để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, do sản lượng cà phê, tiêu  có chứng nhận còn ít nên các DN phải thu mua nguyên liệu đầu vào từ nhiều nơi mà không kiểm soát được chất lượng. Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 cho biết, khó khăn của các DN xuất khẩu là chưa có phòng thí nghiệm nào để phân tích, kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi vậy, giải pháp của DN là khuyến khích người dân tại các vùng nguyên liệu sản xuất bền vững, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất và ưu đãi về giá cho sản phẩm sạch bảo đảm chất lượng.

Ngoài những rào cản trên, khi hội nhập sâu với kinh tế thế giới, các DN trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu thương mại, tác quyền, kiểu dáng công nghiệp. Cụ thể, đối với sản phẩm cà phê, chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho Cà phê Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp đăng bạ bảo hộ tại Việt Nam từ năm 2005, nhưng hiện mới chỉ cấp cho cà phê nhân chứ chưa được cấp cho cà phê bột và hòa tan. Không những thế, cũng chỉ một phần diện tích được cấp chứng nhận này và số DN, cơ sở chế biến đăng ký sử dụng vẫn chưa nhiều. Việc khai thác giá trị thương mại của chứng nhận này cũng chưa hiệu quả dù đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột tại nhiều quốc gia dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, tên gọi xuất xứ hàng hóa, chứng nhận địa lý “Buon Ma Thuot Coffee”. Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Hiệp hội cũng như các DN chế biến, xuất khẩu cà phê hiện đang gặp khó khăn trong việc bảo vệ thương hiệu này trên phạm vi thế giới, điều này không những dẫn đến tình trạng tranh chấp, từ chối bảo hộ nhãn hiệu ở một số quốc gia mà còn gây thiệt hại cho nhà xuất khẩu vì có những DN nước ngoài nhập cà phê nhân chất lượng kém tại nước khác nhưng sau khi chế biến thì được gắn mác Cà phê Buôn Ma Thuột!

(còn nữa)

Minh Thông

[links()]


Ý kiến bạn đọc