Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả tích cực từ khoán quản lý, bảo vệ rừng ở một huyện vùng sâu

08:57, 16/10/2015

Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đi vào cuộc sống, hàng nghìn hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng ở huyện Krông Bông đã có thêm nguồn thu, từng bước cải thiện cuộc sống.

L à huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đời sống của bà con nhân dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Từ năm 2013, khi chính sách DVMTR đi vào cuộc sống, nhiều hộ dân trong huyện nhờ đó mà có thêm việc làm, thu nhập để trang trải cuộc sống. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện có 15 cộng đồng và 45 nhóm hộ với khoảng 1.729 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ 11.097 ha rừng do địa phương quản lý;  1.051 hộ nhận khoán 28.551 ha rừng của VQG Chư Yang Sin; 41 nhóm hộ với 228 hộ nhận khoán 5.643 ha rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, tập trung  ở các xã : Yang Mao, Cư Đrăm, Hòa Lễ, Hòa Sơn, Ea Trul, Khuê Ngọc Điền, Cư Pui…

  Cán bộ VQG Chư Yang Sin  đang  chi trả tiền  cho các hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Cán bộ VQG Chư Yang Sin đang chi trả tiền cho các hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.

Anh  Y Quyết, Buôn phó buôn Tul, xã Yang Mao cho biết, cộng đồng buôn nhận quản lý, bảo vệ  383 ha rừng, buôn cử ra 25 hộ đại diện trực tiếp đi tuần tra bảo vệ rừng. Số tiền thu được hằng năm từ rừng nhận khoán  một nửa được dùng trả công cho người trực tiếp bảo vệ rừng, còn một nửa giữ lại cho quỹ của buôn. Nhờ quỹ này, mới đây buôn Tul đã lắp đặt được hệ thống đường điện chiếu sáng với 34 bóng đèn trên các tuyến đường chính vào buôn, chi phí 105 triệu đồng. Trong thời gian tới, khi nguồn tiền quỹ tăng lên, buôn sẽ tổ chức cho các hộ vay mua cây con giống phục sản xuất, phát triển kinh tế.

Ba năm trở lại đây, gia đình ông  Y Lia Hlong ở buôn Kiều ( xã Yang Mao) có thêm nguồn thu từ  việc quản lý, bảo vệ  22 ha của VQG Chư Yang Sin. Năm nay, giá rừng giao khoán là 270 nghìn/ha/, tăng gấp đôi so với trước đây, tính ra mỗi năm giữ rừng gia đình ông có nguồn thu gần 6 triệu đồng. Ông Y Lia phấn khởi khoe: “Nhờ giữ rừng mà mình có tiền để đầu tư mua giống, phân bón phục vụ sản xuất chứ không như trước đây phải đi vay lãi nóng bên ngoài để đầu tư, đến khi thu hoạch phải trả cả vốn lẫn lãi nên chẳng còn lại bao nhiêu, giờ thì có vốn rồi nên không lo nữa!”  

Cũng giống như Y Lia, năm 2013, ông  Đặng Huy, thôn 6 (xã Khuê Ngọc Điền) đứng ra nhận quản lý, bảo vệ 32 ha của VQG Chư Yang Sin. Hằng tháng theo phân công của Kiểm lâm Vườn, ông đi tuần tra chung với họ để bảo vệ phần diện tích rừng mình được giao khoán. “Với những người dân sống ở vùng khó khăn như chúng tôi, đất sản xuất thì cằn cỗi, đồi dốc nên nếu đơn thuần làm nông nghiệp thì may lắm cũng chỉ đủ ăn, may mà nhờ nhận được rừng mới có thêm nguồn thu đáng kể để trang trải cuộc sống gia đình”, ông Huy cho biết.

Ngoài việc tạo nguồn thu từ rừng cho người dân, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần giảm áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cho các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng địa phương. Ông Lộc Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho biết, từ khi giao khoán cho dân đã giúp đơn vị bổ sung hàng nghìn người để phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng nên đã hạn chế rất nhiều tình trạng vi phạm lâm luật. Mối quan hệ giữa người dân vùng giáp ranh với Vườn cũng trở nên khăng khít hơn, họ trở thành “tai, mắt” cho kiểm lâm, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm họ đều báo cho đơn vị để kịp thời kiểm tra, xử lý. “Khi người dân có quyền lợi từ việc quản lý, bảo vệ rừng, xem công việc này như một nghề và sống được với nghề thì họ sẽ không để kẻ xấu lợi dụng vào việc khai thác lâm sản. Tuy nhiên, với mức giá chi trả DVMTR trên địa bàn như vậy còn thấp, nên chăng trong thời gian tới, Nhà nước cần có thêm nguồn hỗ trợ để người dân tăng thêm thu nhập, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở những vùng khó khăn”, ông Nghĩa cho biết thêm.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc