Multimedia Đọc Báo in

Hội chợ thương mại Đắk Lắk 2015: Hàng hóa phong phú, thu hút người mua

11:04, 07/10/2015

Hội chợ thương mại Đắk Lắk năm 2015 diễn ra tại Quảng trường 10-3, TP. Buôn Ma Thuột từ ngày 3 đến 9-10 là cơ hội để người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn tỉnh tiếp cận và đến gần hơn với hàng Việt.

Hội chợ lần này có hơn 300 gian hàng tham gia bày bán, giới thiệu sản phẩm ở các ngành: may mặc, hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, thiết bị công nghệ, giống cấy trồng, thuốc bảo vệ thực vật, đồ thủ công mỹ nghệ… của 150 doanh nghiệp (DN) đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.  Đây là cơ hội để DN gặp gỡ, xúc tiến thương mại và NTD trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều lựa chọn tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm do trong nước sản xuất với giá cả phải chăng.
Khách hàng lựa chọn và mua sắm tại Hội chợ thương mại Đắk Lắk 2015.       Ảnh: Hoàng Gia
Khách hàng lựa chọn và mua sắm tại Hội chợ thương mại Đắk Lắk 2015. Ảnh: Hoàng Gia

Hàng hóa tại hội chợ chủ yếu là các sản phẩm phục vụ thiết thực cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nên càng thu hút người dân trên địa bàn tỉnh đến tham quan, mua sắm, nhất là các gian hàng gỗ, thủ công mỹ nghệ, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng (Đắk Lắk)… Cùng với đó, các gian hàng bày bán quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm… của các DN đến từ TP, Hồ Chí Minh “hút” khách bởi các chương trình giảm giá sâu từ 10-20% hoặc bán hàng kèm quà tặng. Bên cạnh đó, các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành như kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Bình Định, yến sào Khánh Hòa…  cũng tạo nên nhiều màu sắc riêng cho hội chợ và thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của NTD địa phương. Anh Huỳnh Ngọc, chủ gian hàng đặc sản làng nghề Phương Nga (Bình Định) cho hay, mỗi lần tổ chức hội chợ tại Đắk Lắk, anh không bỏ lỡ cơ hội nào; các sản phẩm của cơ sở như nước mắm, mắm nêm và các loại bánh cốm gạo, nếp, bánh tai heo… có lẽ không còn xa lạ với người dân địa phương. Chỉ riêng hai ngày đầu diễn ra hội chợ, dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng gian hàng của anh bán ra cũng đạt doanh thu trên 5 triệu đồng/ngày. Gian hàng giới thiệu, bày bán các sản phẩm đậu, hạt sấy khô của Công ty TNHH công nghiệp, thực phẩm Pagoda (khu công nghiệp Tâm Thắng, Đắk Nông) cũng được đông đảo NTD ghé thăm. Đặc biệt, với sự đề cao sức khỏe NTD thông qua việc cam kết không dùng chất bảo quản, phụ  gia  độc hại và bảo đảm chất lượng nên sản phẩm của  đơn vị này lại có sức hút với nhiều người. Anh Nguyễn Trường Thành, Trưởng phòng bán hàng của công ty cho hay, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ (đậu phụng, hạt điều) công ty đã cho ra đời trên 10 dòng sản phẩm sấy khô, trong đó với thế mạnh là tuyệt đối không chiên qua dầu và giữ lại các thành phần có lợi cho sức khỏe NTD, hiện sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi Malaysia. Tham gia hội chợ lần này, anh không kỳ vọng nhiều ở việc bán hàng mà muốn giới thiệu sản phẩm, “đánh” mạnh hơn nữa vào thị trường nội địa, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sắp đến.

Đón đông khách đến mua sắm, tìm hiểu tại hội chợ, có lẽ phải kể đến gian hàng bày bán các sản phẩm nước yến sào của Công  ty TNHH Aqua (TP. Nha Trang, Khánh Hòa). Anh Trần Viết Thành, giám sát bán hàng khu vực Tây Nguyên chia sẻ, dù sản phẩm từ lâu đã có mặt tại Đắk Lắk thông qua các đại lý phân phối nhưng cả ba lần anh tổ chức gian hàng tại hội chợ đều được đông đảo NTD ủng hộ và tìm đến. Lần này, ngoài việc bán hàng anh còn chú trọng nhiều đến hoạt động tư vấn cho khách cách thức sử dụng sản phẩm yến sào phù hợp và hiệu quả cho từng lứa tuổi, giới thiệu sản phẩm yến sào can xi mới, mời khách dùng thử sản phẩm và mua hàng kèm tặng quà như một cách để tri ân NTD.

Trên thực tế, từ lâu sản phẩm của các DN trong nước đã tạo uy tín, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của NTD, song chỉ đến khi mang sản phẩm tham gia trưng bày tại hội chợ thì NTD mới có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn cũng như tiếp cận được với DN để được tư vấn, lựa chọn. Có thể nói, “chào hàng” bằng nhiều sản phẩm uy tín, chất lượng, các DN tham gia hội chợ lần này đã mang đến cho NTD trên địa bàn cái nhìn rõ nét hơn về hàng Việt.

Cùng với việc bày bán sản phẩm hàng hóa đa dạng thì vấn đề an ninh trật tự, nhất là các bãi giữ xe tại hội chợ lần này cũng được ban tổ chức đề cao để tránh gây phiền toái cho du khách. Theo ghi nhận, những ngày qua, hầu hết các bãi giữ xe phục vụ xung quanh khu vực hội chợ đều được trưng biển và niêm yết giá đàng hoàng, nhân viên gửi xe soát vé cẩn thận và thu tiền với giá 5.000-10.000 đồng/lượt đối với xe máy và 30.000 đồng/ lượt  đối với ô tô. Quan trọng hơn, tình trạng “chặt, chém” tại các bãi đỗ xe đã được hạn chế đáng kể. Theo ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Lợi - đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức hội chợ , ngay từ đầu, đơn vị tổ chức kiểm soát chặt chẽ và kiên quyết không để xảy ra tình trạng chèo kéo khách, thu phí gửi xe vô tội vạ, tạo điều kiện để người dân yên tâm đến tham quan, mua sắm tại hội chợ.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.