Multimedia Đọc Báo in

Khuyến nông vùng biên khó chồng khó

14:21, 21/10/2015

Những năm qua, hệ thống khuyến nông huyện Ea Súp đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi phương thức sản xuất, mang đến cho người dân nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao. Tuy nhiên, do là địa bàn biên giới, giao thông trắc trở, trình độ dân trí chưa cao nên công tác khuyến nông ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.

Cán bộ nông nghiệp huyện kiểm tra thực địa vườn xoài của gia đình ông Nguyễn Mỹ Bình, thôn 5, thị trấn Ea Súp
Cán bộ nông nghiệp huyện kiểm tra thực địa vườn xoài của gia đình ông Nguyễn Mỹ Bình, thôn 5, thị trấn Ea Súp.

Xuất phát điểm thấp

Lúa nước là cây trồng chủ lực của huyện với 15.000 ha mỗi năm, tập trung tại các xã Ea Bung, Ea Lê, Ya Lốp…, nhưng do công tác khuyến nông chưa phát huy hiệu quả nên năng suất lúa bấp bênh. Bà Nguyễn Thị Chiếm, thôn 9, xã Ea Bung đang canh tác 3 sào ruộng cho biết, do đồng trũng, sình lầy nên khi nào nước trong ruộng cạn thì gia đình xuống giống chứ không thể tuân theo lịch thời vụ. Ruộng phải sử dụng mạ cấy chứ không thể gieo sạ nên cây dễ gãy, tốn công. Bên cạnh đó, ruộng trũng nên tình trạng ngập lụt xảy ra thường xuyên, cách đây 2 năm, lúa đang ngậm sữa thì gặp đợt mưa kéo dài, cả cánh đồng ngập chìm trong biển nước khiến hạt lúa mọc mầm, thối nhũng, gặt về gà cũng không buồn ăn nên vụ đó gia đình mất trắng… Những năm gần đây, lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma) xuất hiện ngày càng nhiều cạnh tranh dinh dưỡng với lúa thường khiến công đầu tư tăng nhưng năng suất lúa ngày càng giảm, làm lụng suốt mùa nhưng nhiều gia đình gần như không có lãi. Ông Lý Văn Đảng, làng thanh niên lập nghiệp, xã Ya Lốp chia sẻ, vụ hè thu 2015 vừa qua, gia đình được Tỉnh Đoàn Đắk Lắk và Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Quang Nông (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để triển khai mô hình sản xuất lúa cạn LC 93 – 1 trên diện tích 7 sào. Mặc dù cán bộ kỹ thuật của công ty thường xuyên thăm đồng để theo dõi tiến độ phát triển của cây lúa, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nhưng thời tiết bất lợi, suốt thời gian lúa làm đòng, trổ bông gặp hạn nên bông lép nhiều, tỷ lệ hạt chắc trên bông rất thấp khiến năng suất thấp. Ông Nguyễn Trọng Tiến, khuyến nông viên xã Ya Lốp chia sẻ, nông nghiệp là ngành nghề chính của người dân vùng biên, nhiều nông dân có ý chí làm ăn, phát triển kinh tế nhưng đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí lại thấp khiến việc tiếp cận khoa học kỹ thuật gặp nhiều trở ngại. Đã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được triển khai, nhân rộng như chăn nuôi heo, gà, bò… nhưng đầu ra khó khăn khiến bà con nản lòng, công tác khuyến nông rất khó tác động đến bà con nông dân. Trên thực tế, nhiều hộ dân muốn chăn nuôi nhưng thiếu vốn đầu tư, thiếu thị trường tiêu thụ. Ông Tiến cũng đã nhiều lần đặt vấn đề liên kết với các doanh nghiệp để mở trang trại chăn nuôi theo hình thức nuôi gia công, nhưng do giao thông cách trở nên doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Do ruộng trũng  không gieo sạ  được nên  gia đình bà Nguyễn Thị Chiếm,  thôn 9, xã Ea Bung phải gieo mạ để cấy lúa.
Do ruộng trũng không gieo sạ được nên gia đình bà Nguyễn Thị Chiếm, thôn 9, xã Ea Bung phải gieo mạ để cấy lúa.

Cần được quan tâm nhiều hơn

Ông Phạm Văn Mợi, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện chia sẻ, cái khó khăn lớn nhất của địa phương là trình độ dân trí không đồng đều, thậm chí, khả năng đọc, viết, nghe, hiểu của một số nông dân còn hạn chế nên khi tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, bà con gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận kiến thức. Công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa người dân với nhau còn chậm. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ cộng tác viên khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn, buôn hơn 120 người. Theo đó, đội ngũ này sẽ trực tiếp làm việc với bà con, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để tổ chức tập huấn, triển khai mô hình cho phù hợp với nhu cầu, đồng thời, khuyến nông viên cơ sở cũng là hạt nhân kết nối bà con lại với nhau, giúp bà con nắm bắt khoa học kỹ thuật và làm theo những mô hình điển hình tiên tiến... Trên thực tế, công tác chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi của người dân vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, trong khi đó kinh phí ngân sách triển khai tập huấn, xây dựng mô hình, tham quan, hội thảo quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu, kế hoạch đề ra, do đó, huyện đang khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp hợp tác, triển khai xây dựng các mô hình mới để bà con tiếp cận, nhân rộng ra địa bàn.

Ông Phạm Văn Mợi trăn trở, các công trình thủy lợi được đầu tư tương xứng kích thích nông nghiệp địa phương phát triển, biến cây lúa trở thành cây trồng chủ lực với những cánh đồng rộng hàng trăm héc-ta. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào về giống lúa phù hợp nên sự chuyển dịch giống cây này vẫn còn chậm, nhiều nông dân vẫn sử dụng lúa thịt vụ này làm giống cho vụ sau nên năng suất cuối vụ chưa cao. Huyện mong muốn các cấp ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến kinh phí hoạt động khuyến nông, nghiên cứu để đưa ra những bộ giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, thay thế những giống đã bị thoái hóa, không còn thích hợp nữa.

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc