Người lính Cụ Hồ trên mặt trận sản xuất
Cựu chiến binh Y DJăk Ayun (buôn Ayun, xã Ea Kuếh, huyện Cư M’gar) là tấm gương điển hình không chỉ trong thời chiến mà còn thể hiện qua thời bình. Chính ý chí, nghị lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, chăm chỉ lao động, sản xuất ông đã vươn lên làm giàu và đóng góp nhiều hoạt động cho xã hội.
Năm 1975, sau khi hoàn thành nghĩa vụ của người lính bảo vệ Tổ Quốc, ông Y DJăk trở về địa phương với không ít khó khăn trước mắt. Nhìn những vùng đất cỏ dại mọc, ông luôn trăn trở suy nghĩ phải khai hoang, cải tạo để biến đất hoang thành cánh đồng lúa. Nói là làm, ông bắt tay vào việc cuốc đất, phát cỏ với hy vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy; cứ thế, hết làm ngày đến làm đêm, những thửa đất hoang dại trước kia dần được thay bằng màu áo mới của những ruộng lúa trĩu hạt. “Chỉ hơn 2 năm sau, gia đình tôi đã sở hữu trong tay hơn 20 ha đất trồng lúa và mang lại của ăn, của để. Thời điểm đó, trong khi nhiều gia đình phải chạy ăn từng bữa, nhưng nhà tôi lúc nào cũng có trên dưới 10 tấn thóc, cũng nhờ đó mới có điều kiện lo cho 7 người con ăn học, trong đó có 3 cháu giờ đang làm công chức nhà nước”, ông Y DJăk bày tỏ.
Ông Y DJăk phấn khởi bên vườn cà phê chuẩn bị cho thu hoạch. |
Là người nhạy bén, biết nắm bắt thời cơ trong sản xuất, năm 1995 giá cà phê ngày càng tăng, ông quyết định chuyển đổi gần 10 ha đất trồng lúa sang trồng cây cà phê, đến năm 1998 tiếp tục chuyển đổi diện tích còn lại để trồng cây cao su. Nhờ việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc nên trang trại của ông ngày càng phát triển xanh tốt, năng suất cao; trung bình mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, với trang trại cà phê và cao su của mình còn tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định từ 2 đến 5 triệu đồng. Một điều đáng ghi nhận nữa là cựu chiến binh Y DJăk luôn sống có tình, có nghĩa với bà con trong buôn. Biết nhiều hộ dân trong buôn vì không có điều kiện để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, ông sẵn sàng cho mọi người muợn từ xe máy cày, máy đào hố, múc đất… để tăng gia sản xuất. Ngoài ra, mỗi khi gia đình nào gặp khó khăn, hoạn nạn, ngoài việc thăm hỏi, ông sẵn sàng hỗ trợ, cho mượn tiền để trang trải cuộc sống, đến vụ mùa sẽ trả lại bằng ngày công lao động. Bên cạnh đó, với kiến thức kinh nghiệm tích lũy được trong việc trồng và chăm sóc cà phê, cao su, ông đã truyền đạt lại cho nhiều đồng đội của mình và người dân địa phương để phát triển kinh tế; đặc biệt, ông là người đầu tiên trong xã thực hiện mô hình làm phân vi sinh từ vỏ cà phê bón cho cây trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Sau bao nhiêu năm lao động vất vả, ông không những tạo điều kiện, chăm lo cho con cái ăn học mà còn chia đất ruộng, vườn khi họ trưởng thành lập gia đình phát triển kinh tế. Hiện nay, mặc dù đã bước qua tuổi 63, thế nhưng ông Y DJăk vẫn tiếp tục canh tác hơn 10 ha đất rẫy với đủ loại cây trồng từ cà phê, cao su, tiêu, sầu riêng, sắn đến cả việc đào ao thả cá, nuôi bò, gà, lợn, vịt, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động, công tác Hội ở địa phương. Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Kuếh cho biết: “Với những khó khăn, gian khổ đã được tôi luyện qua chiến tranh, cựu chiến binh Y DJăk đã vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Ông xứng đáng là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo”.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc