Những biện pháp phòng chống bệnh lở mồm long móng trên gia súc ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Bệnh lở mồm long móng (LMLM) gia súc là bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh, gây ra bởi 7 type vi rút: A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3 với hơn 60 phân type.
Tại tỉnh ta, bệnh LMLM chủ yếu do vi rút type O gây nên và lây lan qua tiếp xúc giữa động vật khỏe với động vật bị bệnh; lây lan qua sản phẩm động vật và thức ăn, nước uống, chất thải, dụng cụ, phương tiện vận chuyển... có mang mầm bệnh; lây lan qua đường hô hấp; qua biên giới theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống (kể cả thịt ướp đông, da xương, sừng, móng, sữa..).
Để hạn chế thấp nhất việc phát sinh và lây lan dịch bệnh LMLM gây thiệt hại cho nông dân, căn cứ vào những quy định về phòng chống bệnh LMLM gia súc, các đơn vị xã, phường cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện quy trình phòng bệnh tổng hợp như sau:
Cần cải tạo, sửa chữa chuồng trại nuôi nhốt cao ráo, chắc chắn, tránh nắng, tránh gió lùa, bảo đảm ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Nền chuồng sạch sẽ, phải phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa, không đọng nước, trước cửa chuồng có hố sát trùng, có khu vực riêng để nuôi nhốt cách ly động vật mới mua về trước khi nhập đàn hoặc con vật ốm để theo dõi, điều trị.
Cán bộ thú ý đang lấy mẫu virus lở mồm long móng bò tại buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). |
Việc mua giống nhập vào nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Người chăn nuôi phải khai báo với trưởng thôn, buôn và thú y để thực hiện quản lý đàn, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định; phải cho gia súc ăn, uống đầy đủ, đúng khẩu phần bảo đảm chất lượng; thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Thức ăn chăn nuôi phải đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, không gây hại cho động vật và người sử dụng sản phẩm động vật. Thức ăn tự chế, tận dụng, phải được xử lý nhiệt (100oC) trước khi cho động vật ăn. Nước sử dụng trong chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh thú y.
Hằng ngày, người chăn nuôi phải quét dọn chuồng nuôi, thu gom phân, rác để ủ, đốt hoặc chôn; định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột và các loại hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Sau mỗi đợt nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, rửa nền chuồng bằng nước sạch, để khô, sau đó phun thuốc sát trùng toàn bộ tường, trần, nền chuồng. Dùng nước vôi 10% quét nền và tường chuồng. Để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi nhập nuôi lứa mới. Sử dụng vắc-xin phòng bệnh LMLM cần phải tuân theo chỉ định về chủng loại và liều lượng của nhà chuyên môn.
Người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi quan sát gia súc nuôi, khi thấy gia súc có hiện tượng ốm, sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, què chân, có mụn nước ở vùng miệng, vành móng chân hoặc chết bất thường phải tiến hành cách ly ngay những con ốm ra khu vực riêng; thực hiện tiêu hủy những con chết, những con ốm nặng không có khả năng hồi phục theo đúng quy trình kỹ thuật dưới sự giám sát của cơ quan thú y, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Khi vừa phát hiện bệnh phải báo ngay cho thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp; hạn chế tối đa việc chăn thả gia súc, đặc biệt khi phát sinh dịch bệnh, không bán chạy, không vứt xác súc vật chết ra môi trường, không giết mổ, không sử dụng sản phẩm gia súc ốm chết làm thực phẩm.
Bệnh LMLM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho con vật bằng cách tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng như: cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu, bổ sung vitamin, điện giải, kết hợp vệ sinh môi trường chăn nuôi sạch sẽ. Xử lý các vết loét bằng cách bôi các loại thuốc sát trùng như xanh Mê-ty-len, cồn iod hoặc nước chanh, khế, tiêm kháng sinh để chống bội nhiễm.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc